Đứa bé sinh ra từ niềm tin kiên định của người mẹ và cuộc gặp “ông thầy áo đỏ” (Kỳ 1)
Thực hư khả năng chữa bách bệnh của phương pháp mang tên "Diện Chẩn" - Báo Người Giữ Lửa - Kỳ 1
LTS: Đầu thập niên 1980 “Diện chẩn Điều khiển liệu pháp Bùi Quốc Châu” hay gọi đơn giản là “Diện chẩn” đã xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh và sau đó lan rộng ra các tỉnh thành trên cả nước. Phương pháp tác động đến các “huyệt” trên khuôn mặt để đẩy lùi nhiều chứng bệnh này do ông Bùi Quốc Châu, quê gốc ở Vĩnh Long tìm ra và phát triển. Diện chẩn đã được công nhận ở một số nước trên thế giới, đồng thời, ông Bùi Quốc Châu cũng được các tổ chức có uy tín tặng danh hiệu Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học. Tuy nhiên tại Việt Nam tính khoa học của Diện Chẩn vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi, khúc mắc. Từ số báo này, Người Giữ Lửa sẽ khởi đăng một số loạt bài về phương pháp chữa bệnh kỳ lạ, độc đáo Diện Chẩn. Còn mọi sự phán xét xin dành cho độc giả.
Chị Hà Thị Tuyết và đứa con mới sinh |
Bệnh tim, không thể sinh nở
Tháng 9 vừa rồi, trong một chuyến đi công tác tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi được nghe về trường hợp của Hồ Thị Tuyết. Đại ý Chị Tuyết và chồng là công nhân tại Bình Chánh, hai vợ chồng chị sinh cháu đầu lòng năm 2007 nhưng ngóng chờ mãi vẫn không có em bé thứ hai. Năm trước chị được xác định là bị bệnh tim, không thể sinh nở, nếu cố gắng sinh sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Trớ trêu thay đầu nawm 2014, chị Tuyết lại mang bầu. Lúc này chị đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, một mặt hai vợ chồng rất muốn có thêm con bồng con bế, thế nhưng nếu giữ cái thai, chị Tuyết sẽ mạo hiểm mạng sống của mình. Bằng một sự kỳ diệu nào đó chị Tuyết đã vượt qua cửa ải khó khăn và sinh nở vẹn tròn. Để tìm hiểu câu chuyện PV Người Giữ Lửa đã tìm đến nhà chị Tuyết.
Trong ngôi nhà nhỏ tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) chị Hà Thị Tuyết sinh năm 1984 có vẻ khá xanh xao, chị vừa sinh cháu được hơn 2 tháng, đứa bé đang ngủ ngon trong vòng tay người mẹ. Trong lúc chờ chị pha nước chúng tôi có thời gian quan sát cuộc sống đạm bạc của đôi vợ chồng trẻ. Ngôi nhà của chị nằm lọt thỏm giữa một nghĩa địa cũ, dấu vết rõ ràng nhất là ngôi mộ to tổ chảng bằng xi măng chóc lở ở ở gần góc sân bên trái. Mái nhà lợp tôn, đồ đạc đáng giá nhất nhà là bộ salong da cũ kỹ được anh chồng xin từ công trường. Chồng chị phụ hồ, công việc không ổn định, chị Tuyết làm việc tại một xưởng sản xuất đồ trang trí phục vụ đám cưới, lương tháng 2,2 triệu đồng tính cả tiền tăng ca, cuộc sống của cặp vợ chồng này nói chung là khá vất vả.
Nên tiếng thở dài, chị Tuyết tâm sự: “ Vợ chồng tôi đều xa quê, đến Sài Gòn lập nghiệp, lấy nhau cũng được gần chục năm, kinh tế thì lúc nào cũng giật gấu vá vai, không chết đói nhưng cũng không dư dả. Chỉ có một nỗi buồn là gia đình neo người quá. Sau khi sinh cháu đầu tiên, hai vợ chồng chả kiêng cữ gì cả mà mãi không có cháu thứ hai. Chồng tôi sốt ruột lắm và tôi cũng rất lo lắng.
Đầu năm 2013, Chị Tuyết bắt đầu cảm nhận những dấu hiệu bất thường trong cơ thể. Chị thường xuyên mệt mỏi, khó thở, ăn ngủ kém. Lo lắng, chị Tuyết đã đến bệnh viện kiểm tra. Lần đầu tiên, chị khám tại bệnh viện Đa khoa huyện Bình Chánh, lần thứ hai chị khám ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cả hai lần chị đều được kết luận là “bệnh van hai lá và van động mạch chủ”. Chị Tuyết nhớ lại “ bác sỹ nói bệnh của tôi là phải phẫu thuật, chứ uống thuốc chỉ là cách điều trị kéo dài chứ không khỏi dứt điểm được. Nếu không mổ tôi không thể sinh em bé được. Tôi hỏi bác sỹ, mổ hết bao nhiêu, bác sỹ bảo nếu có bảo hiểm thì hết hơn 80 triệu đồng, không có bảo hiểm thì mấy trăm triệu, nhiều tiền như thế tôi không có, tôi xin bác sỹ cho về”.
“Ủa, sao em bị bệnh này (bệnh tim – PV) mà không thấy mệt ?”
Trong hơn một năm sau đó. Chị Tuyết dùng thuốc để điều trị bệnh tim và đi làm bình thường. Giấc mơ có thêm em bé, hai vợ chồng đành dấu ở trong lòng không dám nghĩ đến nữa. Tuy nhiên đúng trong lúc đang vật vã với bệnh thì chị Tuyết lại phát hiện mình mang bầu. Cái tin này khiến chị vừa mừng vừa lo, chị cứ chần chừ mãi đến khi cái thai phát triển đến tháng thứ 5. Thời điểm đó thể trạng chị Tuyết rất gầy yếu, da xanh, mệt mỏi. Chị đến bệnh viện khám thì nhận được lời khuyên, hoặc giữ được mẹ hoặc giữ được con, tùy bệnh nhân quyết định. “Lúc bấy giờ tôi rối quá, chưa biết làm thế nào, tôi đem chuyện của mình nói với chị Hòa, là chủ xưởng sản xuất nơi tôi làm việc” – chị Tuyết kể. Chị Hòa bày cho tôi cách bấm huyệt ở mặt, mát xa bàn chân, bàn tay để nâng cao thể trạng. Tôi làm theo dù không biết cụ thể ra sao. Mỗi ngày, tôi day huyệt ở trên mặt hai lần, dần dà tôi thấy người khỏe ra. Đến tháng thứ 7 của thai kỳ, tôi đi khám lại, bác sỹ bảo “ủa, sao em bị bệnh này (bệnh tim – PV) mà không thấy mệt ?”. Tôi càng tự tin hơn, tiếp tục bấm huyệt đến tháng thứ 8 thì mổ lấy em bé ra. Bé Nguyễn Ngọc Bích nặng 2,3 kg, rất khỏe mạnh. Hỏi ra mới biết phương pháp mà chị Hòa dạy cho tôi là Diện Chẩn”.
Ông Bùi Quốc Châu, là người phát minh ra cách chữa bệnh này
Quá sửng sốt và tò mò đối với phương pháp có tên là “Diện Chẩn”, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Quốc Châu, là người phát minh ra cách chữa bệnh này. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đối với ông Châu là sự minh mẫn, thông tuệ, mạnh khỏe dù ông đã ở tuổi 73. Cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Châu – ông thường tự hào khi gọi mình là “ông thầy áo đỏ” – đã giúp chúng tôi khai mở nhiều thắc mắc về Diện Chẩn.
Theo ông Châu – Diện Chẩn là phương pháp hỗ trợ sức khỏe không dùng thuốc của Việt Nam, ra đời ngày 26/3/1980 – ngày ông Châu tìm ra huyệt số 1. Tên đầy đủ của phương pháp là “Diện Chẩn – điều khiển liệu pháp”, được dịch từng chữ ra tiếng anh là "Face Diagnosis and Cybernetic Thearapy", hoặc Multi-reflexoloxy (Phản xạ học đa hệ), Facial Reflexology (Phản xạ học vùng mặt), Vienamese Reflexology (Phản xạ học Việt Nam). Kể từ năm 1980 ông Châu và học trò đã tích cực phổ biến Diện Chẩn ở Việt Nam và ở thế giới. Ông được nhận bằng tiến sỹ khoa học, được vinh danh với giải thưởng “Ngôi sao Châu Á” của tổ chức Medicina Altemativa
Ông Bùi Quốc Châu nhấn mạnh “Cơ thể của chúng ta là một bộ máy rất kỳ diệu, nó có cơ chế tự động giúp chúng ta thích nghi với môi trường và hòa giải các tác nhân gây bệnh. Diện Chẩn là một phương pháp có khả năng giúp nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch, giúp khai thông tắc nghẽn và thúc đẩy các tiến trình cân bằng, giúp ta có được một trạng thái nhẹ nhõm và dễ chịu. Chính vì thế Diện Chẩn có thể hỗ trợ cho việc điều trị cấc loại bệnh tật, từ giảm đau nhức bên ngoài đến phục hồi chức năng bên trong”.
Hoài Sơn
Nguồn:Theo Báo Người Giữ Lửa
Ảnh chụp bài báo kỳ 1