Thất dung tối độc
Trong mục Ẩm thực Dưỡng sinh chúng tôi nhấn mạnh đến tai hại của việc lạm dụng một số thức uống như: Nước đá, nước Cam, nước Dừa… Riêng về nước Dừa thì chỉ đề cập sơ qua. Vì thế trong bài này, tôi nhắc lại sự tai hại của việc sử dụng nước Dừa một cách đầy đủ hơn.
Ngoài ra tôi cũng đề cập đến một số thức uống khác mà bà con ta hay lạm dụng hàng ngày. Đó là nước Chanh, Sâm, Mía, nước ngọt (gồm những thức uống công nghiệp như nước Cam (vô chai hay đóng hộp), nước Cocacola, Pepsi ...)
Tổng hợp các thức uống trên đây là bảy thứ. Tôi đặt tên bằng từ Hán-Việt cho gọn là Thất Dung Tối Độc (Thất: Bảy – Dung: tầm thường, bình thường, thông thường)
Đọc đến đây, có lẽ các bạn ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi lại liệt 7 thức uống trên vào loại tối độc. Tôi nghĩ rằng các bạn đã ngầm phản đối hoặc không đồng ý khi đọc lên những dòng trên đây, nhất là đối với các thức uống như Nước đá, nước Cam, nước Dừa. Còn các loại khác như nứơc đá, nước ngọt … các bạn có thể tạm đồng ý với tôi. Có phải thế không, các bạn? Thật ra không phải đối với các bạn học viên mới tiếp xúc tài liệu của tôi, mà hầu như đối với nhiều người lần đầu đọc bài nói về tai hại của một số thức uống như đã nêu trên. Có phải thế không? Điều này, các bạn sẽ phải suy nghĩ lại sau khi đọc kỹ bài dưới đây của tôi.
Nước Dừa: Trước tiên ta hãy nói về nước Dừa, một loại thức uống quí, nhất là đối với người dân của một số nước không có một bóng cây dừa nào trên xứ họ.Còn đối với người dân xứ nhiệt đới như Việt Nam ta thì đây cũng là “thức uống lý tưởng” đối với nhiều người.Vì ai cũng cho nó gần như là tuyệt đối trong sạch,vô trùng và lại ngon ngọt mát mẻ.Có người còn nghe nói các bác sỹ nhiều lần sử dụng nứơc Dừa thay “Nước biển” để truyền cho các bệnh nhân,các chiến sỹ bị bệnh trong chiến khu (đang thiếu truyền dịch trầm trọng lúc bấy giờ) như thế rõ ràng đây là một “thức uống lý tưởng và vô hại” (vì nếu có hại,ai dám dùng thay thế cho dịch truyền?) Vả lại có nghe bác sỹ nào nói nước Dừa có hại đâu. Chỉ thấy Tây Y ca tụng nó mà thôi.
Thực tế là nhiều người biết tai hại của nước Dừa. Đó là ai? -là bà con ta ở nông thôn. Tôi còn nhớ, lúc nhỏ ông bà cô bác vẫn thường dặn: “Đi xa ngoài nắng, về nhà đừng uống nước Dừa ngay,sẽ “trúng” đó! ”Trúng” đây có nghĩa gì? Đó là ngã bệnh một cách nhanh chóng, ớn lạnh, hâm hấp sốt hoặc sốt cao.Thậm chí nếu đã, đang mang bệnh trước đó thì có khi nguy hiểm đến tính mạng!
Tại sao một thức uống coi hiền lành trong sạch nhất so với các thức uống tự nhiên khác mà lại có thể tai hại, nguy hiểm đến thế? Có thật vậy không? Vì đâu có nghe tài liệu khoa học nào nói đến?.
Đúng là tài liệu khoa học của Tây y không có nói đến sự nguy hiểm, tai hại của nước Dừa, nhưng người dân bình thường, nhất là ở nông thôn, đã biết đến điều này. Đó là họ căn cứ vào thực tiễn, một thực tiễn vô cùng khắc nghiệt vì đôi khi họ phải trả giá bằng sinh mạng hay sức khỏe của họ. Chính thực tiễn đã dạy họ những bài học nhớ đời và do đó nó có giá trị hơn tất cả những luận cứ trong sách. Có thể họ không giải thích được tại sao, nhưng họ kinh nghiệm. Kinh nghiệm từ đời ông cha ta để lại và họ thấy đúng!
Ngày nay,tôi có được sự khám phá về sự tai hại của nước Dừa cũng chính nhờ sự dạy dỗ của ông bà, của quần chúng. Nhờ những kinh nghiệm dân gian, tôi đã nghiên cứu sâu, theo dõi nhiều trường hợp và đến nay, sau một thời gian lâu dài kiểm nghiệm, tổng kết, tôi có thể khẳng định nước Dừa rất có hại cho sức khỏe nếu uống nhiều và thường xuyên (ví dụ: Ngày nào cũng uống 3-4 trái dừa) nhất là đối với các bệnh nhân: suy nhược, huyết áp thấp, người hay lạnh. Các bệnh nhân này nếu uống nhiều Dừasẽ gánh lấy hậu quả vô cùng tai hại, còn đối với người chưa có bệnh gì trầm trọng, nhưng nếu lạm dụng nhiều nước Dừa mỗi ngày, cơ thể tự nhiên sinh ra những bệnh mà trước kia họ không hề có. Ví dụ:như bệnh mắt (như cườm mắt) bệnh nhức đầu kinh niên, bệnh thấp khớp, tim to, tim thòng,tim đập chậm, nhói tim khó thở, huyết áp thấp, mỏi mệt gân cốt,mau mệt,trĩ, lòi dom, sa dịch hoàn, dẽ bị xuất huyết nội, loãng máu, u sầu, chán đời, suy nhược thần kinh… Đặc biệt là dân nghề võ hay người chơi đá banh (túc cầu) rất kỵ dùng nước Dừa trước khi thi đấu cũng vì lý do vừa nêu trên.
Tôi có anh bạn thân đã được các bệnh viện lớn ở Tp. Hồ Chí Minh cho biết là bị bệnh tim nhưng chữa mãi vẫn không khỏi. Sau dịp anh đi nhiều nước công tác và mỗi nơi anh đều nhờ bạn đưa vào bệnh viện ở ngoại quốc để khám và điều trị nhưng không nơi nào chữa được bệnh của anh, thậm chí bệnh viện uy tín nhất của Thái Lan còn cho rằng Anh bị bệnh bao tử (nhưng họ chữa khỏi được). Sau cùng, anh đến nhờ tôi chữa bệnh. Khi nghe anh kể triệu chứng xong, tôi hỏi “Mỗi ngày anh uống bao nhiêu trái Dừa, bạn nói cho đúng đi tôi chữa cho bạn” Anh bạn ngạc nhiên hỏi tại sao anh biết tôi uống nước Dừa và cho biết mỗi ngày uống từ 3-4 trái trong vòng nhiều năm.
Tôi nói đó chính là nguyên nhân bệnh của anh mà tôi cam đoan ít có ai biết. Anh cũng công nhận tôi là người đầu tiên nói vế vấn đề này.
Vì đã biết được nguyên nhân của Anh là do uống nhiều nước Dừa trong một thời gian dài nên sinh ra lạnh tim, khiến tim đập chậm, yếu đi, do đó có cảm giác mệt mỏi, nặng ngực, khó thở. Tôi chỉ dùng điếu ngải cứu + Hơ nóng các vùng phản chiếu TIM ở MẶT, BÀN TAY,và ở NGỰC (vùng tim) Bạn tôi cảm thấy dễ chịu, dễ thở ngay! Sau mười lần điều trị, hiện nay anh đã đỡ nhiều.
Như vậy nước Dừa, nhất là Dừa Xiêm rất tai hại cho những ai lạm dụng nó trong một thời gian lâu dài (như trường hợp của bạn tôi) vì nước Dừa thuộc Âm, tức là nó có tính giải nhiệt, làm mát, làm mềm yếu cơ gân, làm hạ huyết áp. Nhưng nếu nói nước Dừa luôn luôn có hại là không đúng. Vì có lúc nước Dừa cũng chữa được bệnh. Đó là tuỳ ở cách dùng của chúng ta từc là tuỳ trường hợp bệnh mà xem xét có nên sử dụng hay không. Người bình thường thỉnh thoảng dùng nó thì không có hại gì.Tôi xin nhắc lại nước Dừa chỉ có hại khi ta lạm dụng Nó hoặc sử dụng vào các trường hợp cấm kỵ.
Ví dụ:bệnh trĩ,bệnh huyết áp thấp, nhức đấu do huyết áp thấp, cảm lạnh, thấp khớp mệt tim do lạnh (nếu là mệt tim do nóng thì lại dùng được và có tác dụng tốt).
Nếu chúng ta dùng không đúng lúc cũng rất tai hại. Ví dụ: Dùng nước dừa vào buổi tối lại có thêm nước đá. Đó là 3 yếu tố ÂM cộng lại (nước dừa, nước đá, ban đêm) nên rất dễ bị bệnh. Nếu nước dừa uống vào buổi sáng hay buổi trưa thì đỡ hại hơn (vì buổi sáng và buổi trưa thuộc Dương).
Để tóm kết đoạn nói về nước dừa, tôi xin nhắc lại các bạn là ta nên thận trọng khi sử dụng nước dừa, một loại thức uống tưởng là bổ dưỡng, vô hại mà thật ra nó rất tai hại nếu ta lạm dụng hay dùng không đúng lúc, đúng bệnh. Nói cho cùng sự điều độ bao giờ cũng là thầy thuốc hay. Nếu mọi việc trong đó có ăn uống mà ta biết điều thì bệnh sẽ rất khó nảy sinh. Điều độ là một trong các bí quyết của sức khỏe vậy.
GSTSKH. Bùi Quốc Châu
Bài này đã đăng trên Tạp chí Châm cứu của tỉnh Sông Bé, khoảng năm 2000 hay 2001. Vừa rồi, một học viên Khóa 137-2016 là bạn Vũ Văn Hội đã tình cờ tìm lại được tư liệu cũ thật quý này và gởi tặng Thầy Châu cùng TTVYĐQT. Cám ơn bạn Vũ Văn Hội (VP/TTVYĐQT).