In bài này

Bí quyết phát minh của người Thầy thuốc nổi tiếng thế giới

Vũ Văn Hội 

Gần bốn thập kỷ đã qua kể từ ngày GS.TSKH Bùi Quốc Châu nghiên cứu phát minh phương pháp mang tên Diện Chẩn (một phương pháp y học tiên tiến, đơn giản, đại chúng, kinh tế, khoa học hiệu quả và tự nhiên). Diện Chẩn đã ngày càng chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ và sự ưu việt vượt trội so với các phương pháp khác.

GS.TSKH Bùi Quốc Châu và tác giả bài viết

 GS.TSKH Bùi Quốc Châu và tác giả bài viết

Diện Chẩn đã có mặt ở 35 quốc gia trên thế giới

Đến nay Diện Chẩn đã đào tạo được khoảng 30.000 học viên qua các khóa, lớp và các cấp ở Việt Nam. Hàng chục triệu người đã biết đến Diện chẩn thông qua hệ thống internet từ trên 120 Quốc gia. Thống kê sơ bộ Diện Chẩn đã có mặt ở 35 quốc gia trên thế giới (Pháp, Tây Ban Nha, Hungary, Đức, Ý, Tiệp Khắc, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Israel, Mỹ, Canada, Cuba, Argentina, Mexico, Nga, Ba Lan, Đảo Martinique, Đảo Tahiti, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Đài Loan, Bahrain, Sri Lanka, Nhật Bản, Đảo Reunion, Úc, Anh, Togo, Ấn Độ, Campuchia…).

Ước tính có hơn 5 triệu bệnh nhân đã được điều trị thành công về nhiều loại bệnh tật từ thông thường đến phức tạp tại Trung tâm Việt Y Đạo Quốc tế ở TP.HCM và các địa phương khác của Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

Tác giả Diện Chẩn, Thầy Bùi Quốc Châu đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín của Quốc tế; Tháng 1-2000: Tiến sĩ khoa học danh dự (Honoris Causa) của Trường Đại học Mở Quốc tế về Y học Bổ sung (Colombo, Sri Lanka) dành cho những người có công trình khoa học mang tính phát minh, sáng tạo. Tháng 11-2000: Tiến sĩ y học bổ sung và Ngôi sao châu Á (danh hiệu trao tặng cho những trí tuệ kiệt xuất trên thế giới) ở Colombo, Sri Lanka. 2001: Được Đại hội Quốc tế về y học tự nhiên tại Bắc Kinh (Trung Quốc) phong tặng “Thầy thuốc nổi tiếng thế giới”. Năm 2003: Được trao chứng thư “Ghi ơn công lao của những người làm việc tốt cho nhân loại” (Trung tâm Albert Schweitzer-Haus, Đức). Năm 2009: Chủ tịch danh dự Académie DienChan tại Pháp. Năm 2013: Thành lập Trung tâm Việt Y Đạo Quốc tế tại TP.HCM (Việt Nam), mở chi nhánh Trung tâm Việt Y Đạo Quốc tế tại Paris (Pháp).

Như vậy Diện Chẩn đã được bàn bè thế giới đón nhận với tinh thần trân trọng. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới gây tò mò và ngạc nhiên lớn đối với các cường quốc về Y học. Không dễ gì mà các nước Anh, Pháp, Cuba, Tiệp Khắc, Nhật Bản, Trung Quốc…lại mời Thầy và trò Diện Chẩn hàng năm sang giảng dạy và chữa bệnh cho nhân dân họ bằng phương pháp chữa bệnh độc nhất vô nhị này. Ngay cả các Giáo sư, Bác sỹ của các nước này cũng học Diện Chẩn với niềm thích thú và cảm phục.

Không khó để khẳng định rằng Diển chẩn là sản phẩm trí tuệ, là phát minh đỉnh cao của nền y học dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX và XXI. Diện chẩn thực sự đã trở thành một công trình khoa học, y học vỹ đại của nhân loại. Thế giới đã biết đến Diện Chẩn với con mắt thán phục và yêu mến.

Niềm tự hào mang tên Diện Chẩn không phải đơn thuần tự nhiên mà có, mà là cả một quá trình gây dựng với biết bao công sức của Thầy Bùi Quốc Châu cùng các cộng sự. Bí quyết nào đã tạo ra sự thành công đó, động lực nào đã làm cho phương pháp của y học dân tộc Việt Nam nổi bật trong nền y học bổ sung của nhân loại?

Lòng tự ái và tình yêu dân tộc

Ngày 26/03/1980 Thầy Bùi Quốc Châu tìm ra huyệt Diện Chẩn đầu tiên trên khuôn mặt. Đây không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên như nhiều người vẫn lầm tưởng. Kết quả này chỉ đến sau một quá trình hun đúc, tìm tòi, tư duy và sáng tạo mà thôi.

Khi chứng kiến dân tộc mình luôn phải học hỏi các nước khác về khoa học, kỹ thuật và cả về y tế. Thầy Châu cảm thấy hổ thẹn và thương cho dân tộc mình. Từ đó Thầy có một ý thức sâu sắc về tình yêu dân tộc. Thầy quyết tâm phải làm một điều gì đó, tìm ra một phương pháp nào đó để dạy lại các nước và để trả cái nợ đối với nhân loại. Để dân tộc mình ngẩng cao đầu khi bước ra với thế giới.

Thầy đã nghiên cứu rất kỹ châm cứu của Trung Quốc, rồi đến cả Nhĩ châm. Tuy nhiên Thầy thấy các lĩnh vực này đã có từ rất lâu, mỗi một phương pháp có cái hay và hạn chế riêng. Thầy quyết tâm phải tìm ra được cái mới mà chưa ai, chưa dân tộc nào tìm ra.

Đối với châm cứu khuôn mặt được coi là bộ phận nhạy cảm, tuyệt đối không được hơ cứu trên mặt. Thầy nhận thấy khuôn mặt chính là đối tượng để Thầy nghiên cứu và Ông Trời đã dành riêng khuôn mặt cho dân tộc Việt Nam, để phát minh ra một phương pháp độc đáo mà thế giới chưa từng được biết đến mang tên Diện Chẩn.

Khi nói về y học cổ truyền Việt Nam, thì xưa nay gần như cả thế giới đều cho rằng nền y học dân tộc của chúng ta, giống hoặc ít nhất cũng xuất phát từ nền y học Trung Hoa, chứ không khác nhiều. Trong khi Diện Chẩn là do Thầy Bùi Quốc Châu, một người con đất Việt sáng tạo, chứ không phải xuất phát từ Trung Y. Diển Chẩn không sử dụng các huyệt của Diện Châm. Diện Chẩn có gần 600 huyệt và một hệ thống đồ hình đồ sộ. Các hệ thống này không chỉ có ở trên mặt mà còn phân bố khắp cơ thể. Trong khi đó Diện Châm chỉ có 24 huyệt phân bố ở 7 vùng như sau: Huyệt đơn (chỉ có một huyệt): ở trán, sống mũi và chính giữa môi trên, có 7 huyệt. Huyệt kép (huyệt ở hai bên): ở mũi, mắt, cạnh miệng, gò má và má, có 17 cặp huyệt. Do đó khi nói đến Diện Chẩn Bùi Quốc Châu chính là gián tiếp nói lên chủ quyền của Việt Nam trong phương pháp này. Khi thế giới nghiên cứu về Diện Chẩn chính là nghiên cứu về một môn khoa học thuần Việt.

Diện Chẩn thực sự đã trở thành một phương pháp chữa bệnh của người Việt. Diện Chẩn sẽ cùng với một số phương pháp y học khác sớm muộn sẽ hình thành một nền y học mang tính đặc thù Việt Nam, mà cơ sở của nền y học này, Diện Chẩn phải được lấy làm nền tảng. Vì Diện Chẩn có một hệ thống lý luận chặt chẽ, logic đủ sức thuyết phục. Các giải pháp của Diện Chẩn có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh từ đơn giản đến phức tạp và thường cho kết quả cao trong thời gian ngắn.

Khi người Việt, sử dụng phương pháp Việt, để bảo vệ và nâng cao sức khỏe nòi giống con Rồng cháu Tiên thì còn gì tự hào hơn?

Nền tảng kiến thức văn hóa Phương Đông

Phương pháp Diện Chẩn hình thành và xuất phát từ kinh nghiệm dân gian và văn hóa truyền khẩu Việt Nam, qua sự nghiên cứu những tinh hoa y học dân gian, y học cổ truyền, y học hiện đại, triết học Ðông phương cộng với những kiểm chứng từ thực tiễn trên những bệnh nhân đã được điều trị bằng Diện Chẩn.

Từ triết học Đông Phương (Thuyết nhất nguyên luận); Nguyên lý triết học này là cơ sở cho Thuyết phản chiếu, thuyết phản chiếu coi khuôn mặt như một tấm gương phản chiếu có chọn lọc toàn bộ biểu hiện tâm sinh lý lên trên khuôn mặt. Vì bộ mặt là một bộ phận nhạy cảm, đại diện tiêu biểu trên toàn bộ cơ thể. Ngoài ra bộ mặt thuộc phạm vi đầu não có mối liên kết thông tin nhạy bén tới não bộ. Mỗi một điểm trên khuôn mặt trở thành một điểm phản xạ, tiếp nhận các kích thích và đưa thông tin về trung tâm xử lý của não. Từ đó não tiếp nhận thông tin và điều khiển hay điều chỉnh các bất ổn của cơ thể. Vì thế Diện Chẩn còn có một tên gọi đầy đủ là Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp.

Từ ngôn ngữ, tục ngữ, ca dao Việt; “Trông mặt mà bắt hình dong”, “Mồm sao ngao vậy”, “Ða mi tất đa mao”…những câu nói tưởng như đơn giản, nhưng chứa đựng những kinh nghiệm ngàn đời của cha ông. Những kinh nghiệm này chứa đựng cách nhìn nhận về thế giới khách quan, môi trường thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội. Chứa đựng cách đánh giá về tâm tư, tình cảm, tính cách của một con người. Với bộ óc tư duy nhạy bén, đôi mắt quan sát tinh tế Thầy Bùi Quốc Châu đã nhận thấy có thể vận dụng kho tàng kiến thức của cha ông vào việc chữa bệnh. Như “Sống mũi là sống lưng” có thể dùng sống mũi chữa cho sống lưng, cổ tay chữa cho cổ chân, chữa cho cổ họng. Từ các dấu hiệu bất thường xuất hiện trên da mặt như vết nám, sẹo, nốt ruồi, tàn nhang…có thể đoán định được những gì sắp sảy ra bên trong cơ thể. Tại sao người Việt Nam lại nói “ăn gì bổ nấy”, khi bị nấc cục lại dán lá trầu vào ấn đường, có ý nghĩa ra sao? Những điều tưởng như bình thường và đơn giản ấy trong cuộc sống đối với Thầy Bùi Quốc Châu lại trở thành dữ kiện quý giá của Diện Chẩn và của chân lý khoa học. Thầy đã phát hiện ra cái hay cái đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ, chỉ có sự tinh tế và tỷ mỷ cùng tình yêu tiếng Việt mới giúp Thầy xây dựng được một công trình Y học của thời đại, trên nền ngôn ngữ Việt.

Không có một nhà ngôn ngữ học nào phát hiện ra được sự liên hệ giữa ngôn ngữ và Y học, cho đến khi Diện Chẩn ra đời.

Từ Kinh Dịch; Từ câu “Trong dương có âm, trong âm có dương” của kinh dịch Thầy đã vận dụng và nghiên cứu cách tìm huyệt mới. Khi dò huyệt nếu nhận thấy trong các điểm đau có điểm không đau hoặc có cảm giác khác thường (tê, nhức, cộm cứng, mềm…) so với các điềm còn lại, thì đó là huyệt. Trường hợp ngược lại, giữa các điểm không đau ta thấy có một điểm đau hoặc cảm giác khác thường, thì đó cũng là huyệt. Từ cách thức này Thầy đã xác định được hệ thống huyệt của Diện Chẩn.

Cũng từ câu “Đồng thanh tương ứng – Đồng khí tương cầu” trong Kinh Dịch Thầy đã bổ sung thành “Đồng hình tương tụ” và khái quát hóa thành thuyết thuyết Ðồng Ứng và các hệ luận như; đồng hình, đồng sắc, đồng âm, đồng tính, đồng vị, đồng thế. Đây chính là thuyết thứ hai của phương pháp, giúp bổ sung cho Thuyết Phản Chiếu. Thuyết Ðồng Ứng cho rằng những gì giống nhau hay có hình dạng tương tự nhau thì có quan hệ với nhau. Ví dụ, sống Mũi tương ứng với sống Lưng nên có liên hệ với sống Lưng (và ngược lại), cánh mũi có hình dạng tương tự như mông, gờ mày có hình dạng tương tự như cánh tay nên có liên quan đến cánh tay. Ụ cằm có dạng tương tự bọng đái nên có liên quan đến bọng đái. Từ đó suy ra tác động vào gờ mày thì có thể chữa bệnh ở cánh tay, tác động vào sống mũi thì có thể trị bệnh ở sống lưng.

Thầy Bùi Quốc Châu đã vận dụng thuyết Đồng ứng xây dựng các đồ hình (đồ hình là tập hợp các điểm phản xạ). Các đồ hình Diện Chẩn có tính chặt chẽ, hợp lý giúp người học dễ nhớ và dễ sử dụng. So sánh với các hệ thống phản xạ ở bàn tay, bàn chân hay loa tai đã có trên thế giới thì Diện Chẩn có một hệ thống đồ hình khác hẳn với các phương pháp đã có.

Từ văn hóa, kinh nghiệm dân gian văn học truyền khẩu Việt Nam; từ trực giác và óc quan sát tinh tế, nhạy bén, Thầy Bùi Quốc Châu đã vượt ra khỏi giới hạn của những phương pháp y học cổ truyền để định hình cho mình một luận thuyết khác, một thế giới quan khác. Luận thuyết và thế giới quan này chính là đem tinh hoa, văn hóa để chữa bệnh cho con người. Điều này là hoàn toàn mới mẻ và độc đáo của loài người. Đây là một bước tiến vượt bậc vì chỉ đến khi Diện Chẩn ra đới mới ứng dụng văn hóa vào y học.

Tình thương yêu con người và thế hệ sau

Chứng kiến nỗi đau của con người do bệnh tật mang lại. Thầy luôn trăn trở làm sao cho con người được giảm bớt sự tổn thương về mặt thể xác, giảm thiểu bệnh tật, hai là làm sao cho đất nước ta được giàu mạnh, tiến bộ hơn người, người dân được ấm no hạnh phúc, dân trí được nâng cao.

Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của bản thân và những người cộng sự, Thầy đã đóng góp công sức của mình với nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào cũng như mở mang kiến thức về y học cho nhân dân qua việc hướng dẫn đào tạo hàng ngàn bệnh nhân biết các tự bảo vệ sức khỏe của họ.

Phương châm “Biến bệnh nhân thành thầy thuốc” với phương pháp dễ học dễ làm cũng các dụng cụ chữa bệnh đơn giản. Diện Chẩn đã giúp nâng cao chất lượng đời sống sức khỏe của người dân.

Xuất phát từ tình yêu thương con người, từ tấm lòng quảng đại bao dung. Thầy nhận thấy hướng dẫn cho dân chúng biết cách phòng và trị bệnh bằng các biện pháp y học đặc thù Việt Nam chưa đủ. Vì bệnh nhân không chỉ bị tổn thương về thân xác (đau) mà còn bị tổn thương về mặt tinh thần (khổ) vì nhiều nguyên nhân trong đó do sự tham, sâm, si…chiếm phần lớn nỗi khổ của con người. Cái đau về mặt thể xác và khổ về mặt tinh thần cứ luôn đan xen lẫn nhau làm cho con người cứ đau khổ triền miên.

Để con người bớt đau khổ cần phải có một giải pháp toàn diện kết hợp giữa Y THUẬT à Y ĐẠO gọi là VIỆT Y ĐẠO. Sự kết hợp ấy chính là giúp cho con người có kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho mình và phòng chống bệnh tật. Ngoài ra Y ĐẠO chỉ cho con người rèn luyện ý chí, có lối suy nghĩ và hành động đúng đắn để giảm bớt những bệnh tật của tinh thần. Làm lành mạnh hóa tư tưởng tình cảm . Giúp con người tìm đến và tiếp cận Chân Thiện Mỹ, chiến thắng làm làm chủ chính bản thân mình.

Việt Y Đạo giúp cho các cho các môn sinh ngày càng thông về lý, tinh về thuật làm vẻ vang tự hào cho nên y học dân tộc Việt Nam so với các nền y học khác của các nước đã có trước đây (như Tây y, Trung y, Ấn y…)

Việt Y Đạo là cầu nối để người học tiếp cận với các lĩnh vực khác như Triết học, Tôn giáo, Văn Hóa, Mỹ Thuật, Âm Nhạc, Văn Học, Vật Lý, Hóa Học…Từ đó hun đúc thêm tình yêu dân tộc, yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Tự giúp mình và giúp người biết cách chiến đấu chống lại sự đau khổ (tổn thương về mặt thể xác và tinh thần), làm chủ về mặt thể xác và tinh thần. Mở rộng kiến thức, nâng cao tinh thần, phát triển trí tuệ đên sự “tự do” về mặt thể xác và tinh thần, tức đạt đến sức khỏe và hạnh phúc. Đồng thời góp phần với nền y học thế giới để phục vụ sức khỏe con người và làm sáng danh nền y học Việt Nam.

Tư duy luôn đổi mới và sáng tạo

Với phương cách tư duy minh triết, mạnh bạo và sáng tạo, Thầy Bùi Quốc Châu luôn dám nghĩ và dám làm thay đổi những thói quen, cách nghĩ đã ăn sâu vào trong tiềm thức cộng đồng. Ngay trong cách ăn uống, Thầy cảnh giác mọi người về thói quen dùng một số thức ăn, thức uống một cách tùy tiện. Đó là nước Chanh, Sâm, Mía, nước ngọt (gồm những thức uống công nghiệp như nước Cam (vô chai hay đóng hộp), nước Cocacola, Pepsi …). Những loại này tưởng như vô hại nhưng nếu lạm dụng quá mức sẽ gây bệnh. Đây là kết quả của một quá trình tư duy, đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm trong dân gian, Thầy đã nghiên cứu, theo dõi nhiều trường hợp và sau một thời gian dài kiểm nghiệm trên những trường hợp cụ thể.

Trong chuyên môn, tư duy đổi mới và sáng tạo đã giúp Thầy đưa ra các kỹ thuật và cách thức đột phá mà trước đây chưa ai thực hiện. Như trong việc tìm cách hơ ngải trên mặt để trị bệnh. Đối với Thể châm mặt là vùng cấm hơ. Tuy nhiên đối với Thầy sự sáng tạo mà phù hợp với thực tiễn và cho kết quả tốt thì sự thay đổi là điều đương nhiên.

Phải kể đến chủ trương đột phá, mạnh dạn, và chưa từng có, đó là “Biến bệnh nhân thành thầy thuốc, biến người bệnh thành người chữa bệnh”. Nhờ chủ trương này mà cho đến nay đã có hàng trăm nghìn người biết cách tự chữa bệnh và phòng bệnh theo phương pháp Diện Chẩn trong cả nước và trên thế giới. Việc thực hiện và truyền bá chủ trương này được góp sức của các học viên Diện chẩn khắp nơi cả trong nước và nước ngoài. Đây là một chủ trương rất quan trọng và cũng rất có lợi cho sức khoẻ của nhân dân cũng như tiết kiệm được tiền bạc cho người dân và nhà nước. Về lâu dài nó có thể trở thành Quốc sách về y tế nếu Bộ y tế quan tâm và thấy rõ lợi ích của chủ trương này. Lợi ích có thể chứng minh qua các bệnh nhân và học viên đã được hưởng lợi từ chủ trương này.

Tư duy đổi mới, sáng tạo không chỉ dừng lại ở Diện Chẩn mà Thầy Bùi Quốc Châu còn phát minh những phương pháp khác như Âm Dương Khí Công, Ẩm thực dưỡng sinh, thể dục tự ý, thai giáo Việt Nam, Ngừa thai, Dục Lạc Kinh…

Biến phức tạp thành đơn giản

Bí quyết của những người giỏi và thành công là luôn biến cái phức tạp thành đơn giản. Thầy Bùi Quốc Châu luôn tìm cách thức để thay thế châm kim tiềm ẩn rủi ro bằng các phương thức đơn giản có hiệu quả và độ an toàn cao tạo điều kiện thuận lợi cho chủ trương “Biến bệnh nhân thành Thầy thuốc”. Việc chuyển từ kỹ thuật châm kim phức tạp sang kỹ thuật day ấn là một bước đột phá trong Diện Chẩn. Kỹ thuật day ấn hoàn toàn không xuyên qua da mà chỉ ở trên mặt da nhưng kết quả lâm sàng chẳng thua kém gì cây kim mà độ an toàn rất cao. Kỹ thuật này giúp cho Diện Chẩn có thể phổ cập đến mọi tầng lớp quần chúng nhân dân. Từ người trí thức, hay bình dân, hay người nông dân, trẻ nhỏ, người lớn tuổi…đều có thể sử dụng Diện Chẩn để chữa bệnh cho chính mình và mọi người xung quanh.

Việc thiết kế các mẫu dụng cụ để giúp Thầy thuốc và bệnh nhân chữa bệnh và phòng bệnh có tên gọi là dụng cụ Vietmassage như cây lăn, cây cào, búa gõ, que dò huyệt các kiểu khác nhau, cây Xâm mứt gừng, cây Giọt mưa…(đến nay đã có trên 100 kiểu dáng khác nhau). Các dụng cụ phong phú về thể loại, rất dễ sử dụng, đáp ứng đầy đủ về nhu cầu, hiệu quả và đạt tính thẩm mỹ cao. Các dụng cụ Diện Chẩn cũng khiến người dân các nước khó tính như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật…. cũng phải ngã mũ thán phục về trình độ và sự tinh tế của người sáng chế. Chính nhờ dụng cụ này mà phương pháp ngày càng được lan rộng vì bệnh nhân yêu thích và tin cậy nó, vừa coi chúng như những món đồ chơi, quà lưu niệm, vừa coi như vật cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của họ. Chúng khiến họ an tâm hơn trong cuộc sống mỗi khi “trái gió trở trời”. Vì khi có sự bất ổn trong cơ thể họ có ngay dụng cụ để giúp đỡ họ qua cơn đớn đau hay mỏi mệt về thể xác. Đối với các thầy thuốc chuyên nghiệp thì đây là dụng cụ đắc lực giúp họ có thể chữa bệnh hiệu quả và an toàn hơn. Tóm lại đây là điểm độc đáo khiến người ta chú ý và là thế mạnh của Diện Chẩn-ĐKLP. Nhờ nó mà chủ trương “biến bệnh nhân thành thầy thuốc, biến người bệnh thành người chữa bệnh” có thể thực hiện được dễ dàng và mau chóng.

Ý chí và lòng kiên nhẫn

Xuất phát từ ban đầu đầy những khó khăn về cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực hạn chế. Thế nhưng chỉ trong một một khoảng thời gian vài thập kỷ kể từ ngày phương pháp ra đời với một số huyệt đạo ban đầu, cùng một vài đồ hình đơn giản. Đến nay Diện Chẩn đã hoàn thiện được một thống lý luận chặt chẽ, có phương pháp luận riêng, độc lập và tách biệt với tất cả các phương pháp khác.

Diện Chẩn đã vượt qua nơi sản sinh ban đầu, từ TP Hồ Chí Minh để vươn ra Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An và các địa phương khác trong cả nước. Từ đất nước Việt Nam, Diện Chẩn vươn ra với năm châu, bốn bể với bạn bè anh em các nước. Ở đâu có Diện Chẩn ở đó có đồ đình, có dụng cụ, có cây que dò, có hương ngải cứu… Và ở đó có văn hóa Việt, có ngôn ngữ việt, có tình yêu dân tộc và tình thương đồng loại.

Khi đã trở thành nhà phát minh nổi tiếng thế giới, Thầy vẫn có một đời sống giản dị, lạc quan yêu đời. Khi được tiếp xúc với Thầy người đối diện cảm nhận được sự vui vẻ cởi mở, một không khí chan hòa, một tư duy minh triết bác học. Các học viên của Thầy thấy được sự gần gũi chân tình, từ đó không ngại ngùng chia sẻ những điều tưởng như thầm kín. Nhưng đối với Thầy và trò, đó chỉ là chuyện tự nhiên mang tính khoa học.

Vượt trên hết, bí quyết thành công đó là một tâm trí tĩnh lặng bằng phẳng như mặt hồ, trong đó chỉ có tấm lòng yêu thương con người và niềm tự hào dân tộc. Diện Chẩn sẽ còn phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định vị thế của mình đối với nền y học hiện đại. Bây giờ và thế hệ sau này sẽ mãi biết ơn Thầy vì những đóng góp to lớn cho nhân loại.

Trong tất cả các phát minh, thì phát minh về Y học là vĩ đại nhất vì nó liên quan đến sức khỏe, và sự phát triển của con người.

Vũ Văn Hội

(Cử nhân Văn hóa tại ĐH Văn Hóa Hà Nội năm 2006. Kỹ sư công nghệ Thông tin tại ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2010. Nghiên cứu và ứng dụng Diện Chẩn trong công tác chăm sóc sức khỏe từ năm 2009. Giảng viên dự án nâng cao năng lực giảng dạy của Đại Học Y Hà Nội và Thụy Điển năm 2010. Bắt đầu giảng dạy Diện Chẩn tại Hà Nội từ năm 2015. Sáng lập dienchanviet.com, một trong những trang web chuyên môn về Diện Chẩn có lượng truy cập hàng đầu trong nước. Tham dự khóa đào tạo Diện Chẩn nâng cao do GS.TSKH Bùi Quốc Châu trực tiếp giảng dạy, tháng 03 năm 2016)