In bài này

Nhân Duyên Nghiệp Quả

 Tạ Minh

Có lẻ không ai phủ nhận Luật Nhân Quả. Gieo đậu hái đậu, trồng cam hái cam, rõ ràng là như vậy.
Nhưng sao có người ác vẫn sung sướng đến cuối đời, có người hiền lành nhân đức lại chịu đau khổ? Chẳng lẻ gieo ác mà lại hưởng phúc và ngược lại sống thiện mà chịu khổ hay sao!
Nhân duyên nghiệp quả
                   Nhân Duyên Nghiệp Quả
Không phải vậy!
Từ Nhân đến Quả đâu phải lúc nào cũng tức thì. Đánh một kẻ hung ác và mạnh hơn thì bị đánh lại ngay, đó là Nhân Quả đồng thời. Còn đánh một kẻ hung dữ mà yếu hơn thì họ không thể đánh lại, ngay lúc ấy họ nhịn nhục nhưng sẽ có một ngày họ trả thù khi có cơ hội, đó là Nhân Quả dị thời (thời điểm khác). Đánh một kẻ hiền lành thì họ không chấp mà bỏ qua không đánh lại mà cũng không trả thù, thế là gieo nhân mà không hái quả. Vậy hóa ra luật Nhân Quả không có giá trị? Hay chỉ có giá trị trong thiên nhiên cây cỏ, không có giá trị trong xã hội con người?

Thật ra không phải vậy!
Từ Nhân đến Quả không chỉ có 2 nhịp Nhân đến Quả mà là 3 nhịp. Đó là Nhân tạo Nghiệp, Nghiệp tạo Quả. Nhân mang Nghiệp, Nghiệp có hoạt động mới ra Quả. Nhưng trên đường đến Quả, tiến trình này chịu sự tác động của Duyên. Duyên không nằm trong Nghiệp hay Nhân hay Quả. Duyên đứng ngoài mối liên kết Nhân-Nghiệp-Quả. Theo tôi, phải hiểu Duyên như vậy mới đúng mới hết nghĩa của Duyên. 
Duyên là yếu tố tình cờ có thể đến hay không đến với Nhân-Nghiệp-Quả, rất tình cờ không có quy luật. Có thể ví Nhân-Duyên-Nghiệp-Quả như một khối tháp có chân đế tam giác là Nhân-Nghiệp-Quả, Duyên là đỉnh tháp.
Có Nhân mà không có Duyên thì Nghiệp không hoạt động. Khi Duyên chưa đến, Nhân và Nghiệp của Nhân còn nằm yên. Nghiệp không hoạt động thì Quả không thành. 
Duyên có Duyên Tao Ngộ, Duyên Khởi Động, Duyên Thuận, Duyên Nghịch. Duyên tao ngộ không tác động vào Nghiệp đã có nhưng có thể tạo Nghiệp mới nếu phối với Vô Minh. 
Hiểu như vậy mới hết ý câu “cái này có thì cái kia có” của Đức Phật trong “LÝ DUYÊN KHỞI”. Hiểu như vậy mới sáng suốt nhận ra các tiến trình từ Nhân đến Quả. Cái nào là Nghiệp phải trả (Nghiệp cũ), cái nào là Nghiệp sẽ thành (Nghiệp mới) khi gặp Duyên và Vô Minh tác động. Khi nào là thuận Duyên khi nào là Nghịch Duyên. Cái nào là Duyên khởi động, cái nào là Duyên tao ngộ. 
Hiểu và xem xét chi li như vậy mới mong đạt đến khả năng không tạo Nghiệp mới mà chỉ trả Nghiệp đã gieo.
Trên đường đến Quả, sau khi gặp Duyên khởi động, Nhân còn chịu biết bao nhiêu Duyên khác tác động làm Nghiệp mạnh lên hay yếu đi hay làm lệch hướng của Nghiệp, có khi còn làm Nghiệp bị dập tắt. Do Duyên có thuận và nghịch.
Khi thuận Duyên thì Quả chắc chắn phải thành. Khi nghịch Duyên thì Quả có thể không thành hoặc ra quả hơi khác so với quy luật Nhân-Nghiệp-Quả. 
Vì thế mà ta thấy nhiều trường hợp Nhân Quả chẳng tương ứng nhau.

Không chỉ ở khía cạnh xã hội. Ngay cả khía cạnh sinh học, nếu suy ngẫm kỹ ta cũng nhận ra sự rắc rối của Nhân Duyên Nghiệp Quả.
Xem một nắm đậu. Hạt đậu (Nhân) mang cái Nghiệp (quy trình sinh học được chi phối bởi gene, nói cách khác, gene chính là Nghiệp sinh học vậy) mọc lên cây đậu rồi đơm hoa kết trái đậu khác (Quả).
Nhưng có vài hạt đậu kẹt trong góc kho rồi mục nát, vài hạt bị mối mọt ăn, vài hạt bị rơi trên sân bị gà vịt ăn, một số hạt bị làm thức ăn cho người. Một số khác ra được đến ruộng, được gieo được tưới nên mới lên mầm. Nhưng trong thời gian trưởng thành để là cây đậu. Các mầm đó còn chịu tác động của nhiều Duyên khác như thời tiết, sâu bọ, thú vật đi qua đạp nát, bệnh của họ đậu…..vv. Thế là trong ruộng đậu đó vẫn có nhiều hạt đậu không thể thành cây đậu, có Nhân mà không có Quả. Vài hạt cho lên cây đậu bệnh tật, oặt ẹo chỉ có lá mà không ra hoa hay ra hoa mà không kết hạt. Thế là Quả cũng không tròn. Thuận Duyên thì Quả thành, không thuận Duyên thì Quả không thành hoặc lệch lạc đi (Duyên không viên mãn). Mà không chỉ một Duyên duy nhất can thiệp vào quá trình Nghiệp đang hành mà là vô số Duyên liên tục gặp gỡ giao tiếp với quá trình đó.Thế là Nhân và Nghiệp giống nhau có thể cho Quả khác nhau chỉ vì Duyên khác nhau. 
Nếu nói vậy thì thuyết tiến hóa của Darwin là sao? 
Như đã nói, Duyên có thể làm thay đổi tính chất vốn có của Nghiệp (gene) cho nên trong quá trình sống, một cơ thể sinh học có thể bị các Duyên bên ngoài gây biến đổi gene. Gene biến đổi thì hậu duệ không y như tiền bối mà có khác đi. Đó chính là sự tiến hóa hay chính xác hơn ta phải dùng chữ BIẾN HÓA. Có vậy, trái đất mới từ những phân tử vô cơ biến hóa dần để có những phân tử hữu cơ; từ sinh vật đơn bào thành sinh vật đa bào. Vì Duyên khác nhau nên một giòng phân tử có thể cho ra nhiều loài khác nhau vì thế mà trái đất có vô số chủng loại sinh vật.
Như vậy, Duyên có vẻ mạnh bằng hay hơn Nghiệp? Không phải vậy, bởi Duyên là yếu tố bên ngoài và tình cờ nên nó không có sức mạnh cố định. Có khi Duyên yếu hơn Nghiệp, có khi bằng và có khi mạnh hơn. Nhưng rõ ràng chỉ có Nhân và Nghiệp mà không có Duyên tác động vào thì không có Quả. Hiểu như vậy mới nhận ra sự khác nhau của Định Mệnh và Nhân Duyên Nghiệp Quả. Hiểu như vậy mới không an phận chấp nhận tất cả những gì đến với ta. Hiểu như vậy mới bình tỉnh quán sát trong hiện tại để nắm bắt cơ hội (Duyên) thay đổi Nghiệp và Quả của mình đã gây ra. Hiểu như vậy mới không tạo Nghiệp mới trong khi đang thực hiện Nghiệp cũ dù đang hưởng hay chịu. Ta cần hiểu rằng cái chúng ta cho là Phúc cũng là một dạng của Nhân Nghiệp Quả…..và gieo Nhân xấu là việc vẫn có thể xảy ra khi đang gọi là hưởng phúc !!! 

Vì thế mà Phật giáo coi trọng yếu tố Duyên, chỉ sau yếu tố Nhân. Vì thế mà hai chữ Nhân Duyên thường đi đôi với nhau, vì thế mà lý Duyên-khởi là lý song hành với lý Nhân-Quả,vì thế mà hai chữ Duyên Nghiệp thường hay được nhắc đến … để giải thích các hiện tượng nhân sinh đầy rẫy mâu thuẩn với lý Nhân-Quả trong xã hội. Vì thế mà Đức Phật mới nói “thân người khó được”.

Vì thế, việc may mắn khi được làm người sao nở để trôi qua trong nhạt nhẽo vô tư hay cuồng loạn tranh giành và đầy thù hận oán hờn ganh ghét! 

TU là rèn luyện tạo NHÂN tốt để may ra gặp DUYÊN tốt thì sẽ có cơ hội thu lượm QUẢ tốt vậy. Bởi trong một thời kỳ không dài, hạt đậu hoặc lên cây đậu hoặc không lên cây đậu chứ không thể lên cây mắc cở (trinh nữ) đầy gai được.
Không biết có ai đồng ý với tui hông?
 
Tạ Minh, Hà Nội, 11-09-2010, 20-01-2015