In bài này

Diện Chẩn - Ngọn hải đăng giữa biển đạo

 “Gặp nhau đây ta cùng ca hát, xin chúc nhau những ngày tháng bình an, tình hữu nghị hành trang đường dương thế, xây cuộc đời ngay cuộc sống hôm nay….” Đó chính là câu hát mà nhạc sỹ Võ Hơn đã gửi tặng GS TSKHKH Bùi Quốc Châu và cũng là món quà cho Câu lạc Bộ Diện Chẩn Bùi Quốc Châu Hà Nội-Cao Bằng.

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là chúng ta lại được gặp nhau tại Sài Gòn, cái nôi của ngôi nhà Diện Chẩn nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập.
Chúng ta sẽ được gặp người Thầy đáng kính, những người bạn đồng môn trong ngôi nhà Diện Chẩn – Việt Y đạo.
Với tôi, một bác sĩ Tây y hiện chuyên tâm theo nghề Diện Chẩn, tính đến nay từ ngày gặp Thầy Châu cũng đã được tròn 13 năm. Đó là một khoảng thời gian không phải là dài nhưng cũng đủ để làm thay đổi một con người từ tư duy cũng như định hướng nghề nghiệp. Hiện nay niềm tự hào lớn lao của tôi chính là được làm học trò của GSTSKH Bùi Quốc Châu, rồi thành một bác sĩ chữa bệnh bằng chuyên ngành Diện Chẩn. Tôi hay nói với bạn bè là: “môn Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp chính là ngọn hải đăng của y học bổ xung.”
Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập, tôi xin có đôi điều chia sẻ với tất cả các bạn đồng môn cũng như những người yêu mến Diện Chẩn.
Ngày 26/3/1980 ai cũng hiểu là ngày thành lập môn Diện Chẩn, chúng ta tự hào có một cây Diện Chẩn được mọc lên giữa muôn vàn rừng Y thắm tươi muôn màu. Cây đó mang tên Diện Chẩn – Việt Y Đạo Bùi Quốc Châu.
Cùng với thời gian ở gần bên Thầy được sự chỉ bảo dìu dắt của Thầy tôi càng ngày càng nhận ra đây chính là một cây vĩ đại là niềm tự hào của người Việt Nam.
Đầu tiên chúng ta cùng đứng từ xa ngắm nhìn, cây “Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp Bùi Quốc Châu”có ba cành vững chãi đó là:
*Cành thứ nhất: Diện Chẩn:  
Là phương pháp chẩn đoán và chẩn trị trên mặt da của cơ thể thông qua sự khảo sát tỉ mỉ các thay đổi trên bề mặt da như vết sẹo, nám, tàn nhang…
**Cành thứ hai: Điều khiển liệu pháp:
Đây chính là chìa khóa vàng giúp cơ thể tự chữa bệnh, chỉ cần chúng ta tác động vào huyệt một kỹ thuật chính xác và dụng cụ thích hợp dựa trên các đồ hình phản chiếu và đồng ứng.
***Cành thứ ba – Bùi Quốc Châu:
Cành này thể hiện tên tác giả –  nhà phát minh vĩ đại Bùi Quốc Châu, chỉ cần nghe tên của Thầy thôi chúng ta những người học trò của Thầy đã trào dâng biết bao là cảm xúc về một người Thầy, một người cha luôn dìu dắt mọi thế hệ sau này đi trên con đường: “sống đời làm đạo”….cùng với những câu Tâm ngôn Diện Chẩn đã soi sáng và làm thay đổi cuộc sống của biết bao nhiêu người trong đó có tôi, một bác sĩ đa khoa tốt nghiệp trường đại học y Hà Nội năm 1996 (khóa học 1990-1996).
Với ba cành đó cho đến nay đã lan tỏa thành nhiều cành nhiều lá… Tôi sẽ chia sẻ với các bạn ở phần sau.
Còn bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu phần gốc rễ của cây Diện Chẩn:
Rễ thứ 1 – Ứớc mơ của Thầy Châu:
Thầy Châu kể rằng từ bé Thầy đã có một ước mơ là tìm cho thế hệ trẻ Việt Nam một điểm tựa, đó là phải có một phát minh mang tầm cỡ thế giới và có tính chất của một cuộc cách mạng trong khoa học nói chung và cách mạng trong y học nói riêng. Đó là ước mơ biến bệnh nhân thành Thầy thuốc hay biến người bệnh thành người chữa bệnh, để giúp cho con người được khỏe mạnh bớt dần bệnh tật, vui vẻ trong cuộc sống hướng tới Chân Thiện Mỹ để được hưởng hạnh phúc ngay cõi trần gian này. Và cộng thêm tính tự ái dân tộc cao với tấm lòng luôn nghĩ về người trước, đây chính là rễ chắc khỏe bám sâu nhất của cây Diện Chẩn. Điều này cũng chứng minh một điều Diện Chẩn được phát minh bằng sự định hướng mang tính triết học chứ không phải là do tình cờ.
Rễ thứ 2 – Tam giáo, kinh Dịch:
Bao gồm tinh hoa của đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão, sự say mê nghiên cứu về triết học phương Đông cùng với sự định hướng có sẵn, Thầy đã đem kết hợp tinh hoa của Tam giáo áp dụng vào công việc chữa bệnh, như các thuyết Nhất nguyên luận, Vô vi, Tất cả là một/một là tất cả… Hoặc như những câu trong kinh Dịch: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”… mà sau này Thầy tìm ra các thuyết Đồng ứng, thuyết Phản chiếu, thuyết Bình thông nhau, thuyết Giao thoa, đặc biệt là thuyết Nước chảy chỗ trũng…
Rễ thứ 3 – Y học:
Rễ này là tổng hợp kiến thức của ba nền y học:

-Y học hiện đại bao gồm các kiến thức về giải phẫu, sinh lý, mô phôi, về bệnh tật cũng như hoàn cảnh gây nên bệnh và hướng xử lý để từ đó cùng với thực tế trải nghiệm bằng phương pháp thực chứng luận mà Thầy đã cho ra đời các đồ hình phản chiếu và đồng ứng.
-Y học cổ truyền như về lục phủ, ngũ tạng, kinh lạc, âm dương ngũ hành… Cũng được vận dụng một cách nhuần nhuyễn như từ sự tương sinh tương khắc mà sau này DC có thuyết Tương khắc.
-Y học dân gian với các mẹo v.v…, ví dụ say rượu thì bôi vôi vào gan bàn chân…
Rễ thứ 4 – Văn hóa Việt:
Việt Nam vốn có truyền thống văn hóa lâu đời, những câu ca dao, câu chuyện ngụ ngôn, tục ngữ… đều có sự liên hệ mật thiết với Diện Chẩn
Ví như tại sao gọi là bàn tay, ngón tay, ngón chân, bộ mặt, gương mặt, mà không gọi là ngón mặt…, phải chăng từ xa xưa nền văn minh nước Việt đã đi trước thời đại về ngôn ngữ, đã gợi ý ra rất nhiều điều thú vị mà chỉ có ở Thầy Châu mới nhìn ra và đã phát minh ra phương pháp độc đáo này. Từ gương mặt phải chăng là gợi ý có sự phản chiếu trong đó, cộng thêm bắt đầu từ câu:”Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”,Thầy đã tìm ra thuyết Đồng ứng mà việc tìm ra huyệt số 1 là minh chứng rõ ràng nhất cho sự sáng tạo áp dụng triết học vào việc chữa bệnh. Vậy sự tìm ra phương pháp là có định hướng rõ ràng cùng với phương pháp lý luận mạch lạc mà sau này Thầy gọi là phương pháp thực chứng luận chứ không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên.
Tóm lại bốn nền tảng cơ bản (còn gọi là rễ cây Diện Chẩn là:

-Tam giáo
– Ba nền y học
– Ứớc mơ của Thầy Châu
– Văn hóa Việt
đã là các nguồn năng lượng, tinh hoa vô tận để nuôi dưỡng cho cây Diện Chẩn ngày càng phát triển đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái trong rừng Y thắm tươi muôn màu.
Linh hồn của cây Diện Chẩn chính là Tâm ngôn Diện Chẩn. Đó là những câu nói đúc kết từ trong trái tim nhân hậu, bao dung của Thầy, người đọc tùy theo trạng thái, sự hiểu biết và trình độ khác nhau đều có thu hoạch cho riêng mình từ những câu Tâm ngôn đó không chỉ áp dụng vào việc chữa bệnh mà còn có thể vận dụng vào tất cả các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Tôi còn nhớ vào một buổi sáng mùa xuân cách đây 13 năm, đó là lần đầu tiên gặp và được làm quen với Thầy trong chuyến đi thăm quan Tam Cốc Bích Động, Ninh Bình. Hôm đó Thầy có nói với tôi một câu: “Một con dao sắc còn hơn mười con dao lụt”. Từ câu này tôi ngộ ra rằng nếu chúng ta chuyên tâm theo đuổi một phương pháp đạt đến độ tinh tế thì kết quả thu về sẽ hơn là lấy số đông để bù lại, và chính điều này đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi sau này. Hiểu ra điều tôi chỉ chuyên tâm vào học và nghiên cứu Diện Chẩn và càng ngày tôi càng nhận ra Diện Chẩn thật là mênh mông rộng lớn, luôn hướng con người đạt đến Chân Thiện Mỹ, cùng với sự chỉ dạy tận tâm của Thầy, tôi đã hiểu ra Diện Chẩn chính tông là gì. Đó chính là con đường đưa chúng ta đến bến hạnh phúc ngay cõi trần gian này.

Cây Diện Chẩn từ đó mọc lên ngày càng phát triển không những tại Việt Nam mà giờ đây còn lan tỏa ra khắp thế giới.
Đứng nhìn ngắm cây Diện Chẩn chúng ta mới thấy công trình phát minh sáng tạo của Thầy Bùi Quốc Châu thật là vĩ đại.
Từ ba cành đầu tiên như chúng ta đã biết:
– Diện Chẩn
– Điều khiển liệu pháp
– Bùi Quốc Châu
Cây Diện Chẩn mỗi ngày mỗi phát triển thêm nhiều cành nhánh mới, như:
– Cành huyệt vị: bao gồm nhánh định huyệt Bùi Quốc Châu và nhánh Sinh huyệt.
Với tư duy và phương pháp luận có sẵn, Thầy Châu hiểu rằng từ câu:”Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mà Thầy tìm ra huyệt số 1 là nơi phản chiếu của lưng trên bệnh nhân Trần Văn Sáu, để rồi cùng với thời gian các huyệt số 2,3,4… và 630 ra đời. Đó chính là các huyệt mà Thầy Châu tìm ra có tọa độ rõ ràng trên khuôn mặt mà ngày nay Thầy hay dạy cho các học trò –  đó là các định huyệt Bùi Quốc Châu (viết tắt: Huyệt BQC), các số huyệt được đặt tên theo thứ tự thời gian tìm ra. Bên cạnh đó còn có một loại huyệt đặc biệt, đó là sinh huyệt – nơi mà dùng cây dò dò tới vùng đó bệnh nhân có cảm giác đau và chính điểm đau đó tại thời điểm và vị trí đau là sinh huyệt (nơi giao nhau giữa không gian và thời gian).

– Cành đồ hình: bao gồm đồ hình phản chiếu và đồ hình đồng ứng. Từ định huyệt cùng với Thuyết phản chiếu, thuyết đồng ứng, Thầy Châu đã tạo cho chúng ta tấm bản đồ vạn năng đó là đồ hình để cùng với sinh huyệt tạo thành chìa khóa vàng mở cánh cửa trị liệu theo phương pháp Diện Chẩn với cơ chế Điều khiển liệu pháp.
– Cành dụng cụ: với đồ hình và sinh huyệt cách đây 35 năm, Thầy dùng kim để châm vào huyệt. Tuy nhiên với các huyệt đã tìm được chỉ dùng châm thì sẽ không phổ biến rộng rãi cho mọi người vì thủ thuật châm không phải ai cũng được phép, cho nên sự ra đời của dụng cụ Diện Chẩn, như cây dò, cây búa, cây cào, cây lăn…đã đánh dấu một bước ngoặt lớn, một điểm sáng trong phát minh về Diện Chẩn -Việt Y Đạo của Thầy. Có thể nói đây chính là mốc son trong cuộc cách mạng lớn về Y học, đó chính là biến ước mơ của Thầy thành hiện thực trên con đường biến bệnh nhân thành thầy thuốc, biến người bệnh thành người chữa bệnh.

Từ những dụng cụ ban đầu, đến nay sau 35 năm, số lượng chủng loại đã lên tới con số gần 20 loại khác nhau. Các dụng cụ này đều gắn với tên tuổi GSTSKH Bùi Quốc Châu. Một ngày không xa theo thời gian dụng cụ sẽ có mặt trên khắp mọi miền của đất nước và sẽ lan rộng ra khắp năm châu, bởi phương pháp là vô hình, là Âm, còn dụng cụ là hữu hình, là Dương – một sự kết hợp Âm Dương hoàn hảo.
– Cành Tâm ngôn:
Từ ước mơ của Thầy là ‘biến bệnh nhân thành thầy thuốc’ chúng ta nhận thấy lấp lánh trong cây Diện Chẩn có một cành cây phát sáng, đó là cành Tâm ngôn Diện Chẩn. Đây chính là những lời nói từ trái tim của một nhà phát minh với tấm lòng bao dung rộng lớn, từ những lời như: “Tâm hướng về đâu nơi đó có ánh sáng; Tâm bình trí sáng; Tìm việc dễ mà làm, đường trống mà đi..”..mà trong cuộc sống nói chung và trong Diện Chẩn nói riêng, nếu chúng ta biết vận dụng một cách linh hoạt thì sẽ mang lại nhiều kết quả thần kỳ.
– Cành phác đồ:
Cũng như những mọi ngành khoa học khác cái gì cũng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ những huyệt ban đầu cùng với thời gian Thầy Châu đã tổ hợp nhiều huyệt các tác dụng hỗ trợ cho nhau để chữa các bệnh khác nhau, đó là các phác đồ đặc hiệu, ngoài ra có những tổ hợp khác để hỗ trợ điều trị bệnh gọi là phác đồ hỗ trợ.
Đặc biệt vào khoảng năm 2006, Thầy cho ra đời phác đồ Yêu thương 26-60, chính từ phác đồ này đã gợi mở ra nhiều ứng dụng to lớn trong cuộc sống, điều này đã được anh Nguyễn Hảo Triết vận dụng trong một thí nghiệm về hai chén cơm (đăng trong trang Dienchan.com).

– Cành kiến thức bổ trợ: bên cạnh Diện Chẩn, Thầy còn luôn hướng dẫn mọi người phương pháp ăn uống đúng cách cho hợp Âm Dương, cách tập luyện cho cơ thể bớt bệnh (Thể dục tự ý) và làm đẹp…
Từ đó tỏa ra các nhánh nhỏ xum xuê rồi nở hoa kết trái và đặc biệt các trái chín này cùng với hương thơm của nó lan tỏa khắp mọi miền của tổ quốc cũng như khắp năm châu, để rồi chính những hạt giống này lại đâm chồi nảy lộc để rồi lại mọc thêm những cây Diện Chẩn nhỏ góp phần tạo nên rừng cây Diện Chẩn và cây gốc chính là từ Sài Gòn – cái nôi của Diện Chẩn.
Nghĩ về Thầy Châu
Cho đến nay, vậy mà đã hơn chục năm trôi qua từ khi tôi được biết GSTSKH Bùi Quốc Châu, đặc biệt là ngày 8-3-2002 là ngày đáng nhớ khi tôi được gặp Thầy trên một chuyến đi tham quan về Ninh Bình. Trong bữa trưa đó, tôi có ăn món gỏi nhệch, vì không quen nên có bị đau bụng vì dị ứng với món đó, thật may mắn cho tôi là không những được Thầy dùng phương pháp do chính Thầy phát minh chữa trị cho tôi mà còn giảng cho tôi hiểu thế nào là Diện Chẩn – điều khiển liệu pháp, một phương pháp hỗ trợ điều trị những bệnh thông thường và một số bệnh mãn tính.
Thầy nói rằng Thầy rất thích nghiên cứu triết học, đặc biệt là các tư tưởng triết học phương Đông như đạo Phật, Khổng, Lão và bộ kỳ thư kinh Dịch. Có điều khác là sau khi nghiên cứu, mọi vấn đề Thầy đều đem ứng dụng vào cuộc sống con người với tâm mong cầu sao cho con người biết tự chăm sóc chính bản thân mình và hướng tới Chân Thiện Mỹ.
Những lúc ở bên Thầy được gần gũi, trò chuyện, nghe Thầy giảng giải những câu Tâm ngôn tôi ngày càng nhận thấy Thầy là một con người vĩ đại với tấm lòng bao dung, độ lượng nhưng rất nghiêm khắc, Thầy luôn động viên học trò và cũng sẵn sàng phê bình những khuyết điểm với mục đích mong cho học trò tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học (phát minh ra Diện Chẩn), Thầy có lối tư duy đặc biệt, cách nghĩ riêng không phụ thuộc vào sách vở.Thầy chỉ lấy thực tế làm kim chỉ nam (sau này Thầy giảng cho tôi đó là phương pháp dùng thực tế để đúc kết ra kinh nghiệm và xây dựng lý thuyết), câu Tâm ngôn “lý thuyết hay không bằng giải pháp giỏi” là một minh chứng cho điều đó.
Qua đó, tôi mới hiểu nền tảng của Diện Chẩn chính là sự kết hợp của Tam giáo (đạo Phật, Khổng, Lão), kinh Dịch và sự kế thừa của 3 nền y học: Y học hiện đại, Y học cổ truyền,Y học dân gian cùng với những trải nghiệm thực tiễn, từ đó Thầy đã tìm ra các sinh huyệt và đồ hình trên mặt da của toàn bộ cơ thể.
Với tôi, một bác sỹ đa khoa tốt nghiệp trường Y Hà Nội, sau khi học phương pháp này tôi đã áp dụng vào thực tiễn chăm sóc sức khỏe cho cán bộ công nhân, học sinh trường Cao đẳng In và đã thu được nhiều kết quả đáng kể (như đã viết trong bài Diên Chẩn Bùi Quốc Châu – Ngọn hải đăng của Y học bổ xung).
Từ đó cái duyên của tôi với Thầy ngày càng thêm gắn bó và thường xuyên hơn và tôi cũng được Thầy truyền dạy thêm các môn do chính Thầy phát minh, như: Ẩm thực dưỡng sinh, Thai giáo, Thể dục tự ý…, đặc biệt là Âm dương khí công – một phương pháp luyện tập tâm –  trí  – khí –  lực. Từ đó đến nay việc thở Âm dương khí công là một niềm say mê với tôi, nó không những giúp tôi giữ được sức khỏe mà luôn luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Đặc biệt thời gian gần đây, có dịp gần gũi Thầy nhiều, tôi cảm thấy từ Thầy tỏa ra một mùi hương rất lạ, lúc thì như hoa sen, lúc lại hương vị của loài hoa khác. Tôi hỏi Thầy thì Thầy bảo là nhờ tập Âm dương khí công đó em ạ, nếu em chăm chỉ luyện tập thì một ngày nào đó em cũng được vậy thôi. Thầy còn tặng tôi câu này: “Tình thương và hiểu biết là điều kiện ắt có và đủ để bao dung và tha thứ”. Hôm đó tôi về mà không sao ngủ được, cứ nhớ lại những điều Thầy dạy mà ngẫm lại quả thật có những tình huống trong cuộc sống vì bức xúc mà hay trách cứ người khác, tôi đâu có hiều rằng vì mình chỉ đứng trên quan điểm của mình, đâu có hiểu người ta thành ra hay trách cứ vô cớ. Quả thật để bao dung và tha thứ cho một ai đó là không đơn giản nếu không có đủ tình thương và hiểu biết.

Sau những lần gặp gỡ như vậy tôi lại càng như được tiếp thêm một nguồn năng lượng vô cùng dồi dào.

Và đặc biệt hơn nữa, chúng ta không những chỉ được hưởng thành quả phát minh của Thầy thông qua môn Diện chẩn – Điều khiển liệu pháp, Thể dục tự ý, Ẩm thực dưỡng sinh, Thai giáo, đặc biệt là Âm Dương khí công, trong Thầy còn tiềm ẩn một khả năng đặc biệt, đó là Huyền công.

Tôi còn nhớ vào mùa xuân năm 2013 khi tôi về Cao Bằng thắp hương nhân ngày giỗ bố tôi, sáng hôm đó đang cùng mọi người trong gia đình dọn dẹp nhà cửa thì một cơn đau quặn thận kéo đến khiến tôi vật vã hơn tiếng đồng hồ và tôi đã dùng các cách của DC để đẩy lùi cơn đau, ngay lúc đó tôi nghĩ đến Thầy Châu và lập tức gọi điện thoại cho Thầy nhờ Thầy chữa từ xa, Thầy ân cần hỏi thăm tỉ mỉ tính chất của cơn đau và vùng bị đau. Sau đó Thầy nói: “Em coi lại xem sao”, lần đầu tiên tôi đã cảm thấy êm dịu, đến khi Thầy nói lần thứ hai thì tôi đã cảm thấy nhẹ hẳn người và xuất hiện trong tôi lúc đó là cảm giác thư thái và tôi chìm vào trong giấc ngủ say. Khoảng hai tiếng sau gia đình gọi dậy thì tôi đã không còn cảm giác đau nữa, sau đó tôi đi tiểu thì có cảm giác như có một vật gì đó ra theo đường nước tiểu. Đó chính là viên sỏi đầu tiên được đẩy ra ngoài nhờ sự trợ giúp của Thầy Châu thông qua môn Huyền công. Chính điều này đã tạo niềm tin rất lớn trong tôi, để sau đó tôi đã tự đẩy tiếp hai viên sỏi khác bằng phương pháp ‘Mãn thiên hoa vũ’ mà Thầy đã dạy, như tôi đã kể với nhà báo Hoài Sơn và anh đã thuật lại trong một kỳ báo Người Giữ Lửa, Hà Nội.
Còn một câu chuyện khác về khả năng chữa bệnh đặc biệt của Thầy là ngay đầu năm nay (3/2015) sắp đến ngày sinh nhật Thày (3/4), tôi lại đột nhiên bị đau cổ chân trái, đi lại rất khó khăn, tôi nghĩ sắp đến sinh nhật Thầy mà chân đau thế này thì làm sao đi được, thế là lại nghĩ đến Thầy và lần này đặt thẳng vấn đề xin Thầy chữa cho. Thế là cũng chỉ với vài câu nói của Thầy, chân tôi hết đau một cách kỳ diệu trước sự ngỡ ngàng của những người xung quanh. Không những thế hôm đó những người có mặt cũng được tôi cho nói chuyện trực tiếp với Thầy qua điện thoại và cũng hết bệnh một cách thần kỳ. Một trong số những người đó là học viên DC xuất sắc của tôi sau này.
Kể về Thầy Châu thì không bao giờ hết nhưng cho đến hôm nay tổng hợp lại tôi thấy rằng cứ mỗi lần được gặp Thầy hoặc nói chuyện với Thầy dù là trực tiếp hay qua điện thoại tôi đều thấy người mình nóng lên một cách kỳ lạ, sau đó mát dần và cuối cùng là cảm giác thoải mái.

Đó là cảm nghĩ của cá nhân tôi một bác sĩ đa khoa tốt nghiệp đại học y Hà Nội còn mọi người thì sao?

Nhắc đến phương pháp chữa bệnh bằng Diện Chẩn tôi cảm thấy tự hào khi trong một cuộc khảo sát tại một công ty, rằng nếu có các buổi ngoại khóa, cán bộ nhân viên muốn được học gì, như yoga, cắm hoa, nấu ăn, Diện Chẩn, thì có đến 95% số phiếu chọn Diện Chẩn.

Rồi cả đến thế hệ tương lai như đứa trẻ dù mới chỉ 3 tuổi nhưng nhìn cha mẹ làm Diện Chẩn nó cũng biết bắt chước. Sự phát triển của quy luật ấy thật đúng với mong muốn của Thầy Châu, Thầy mong rằng trẻ em từ 3 đến 5 tuổi cho nó biết khái niệm để sao đau bụng nó tự làm thế nào, sau đó từ 7 đến 9 tuổi nó học được cái gì, từ 9 đến 10 tuổi nó học được cái gì. Và nếu cứ định hướng như vậy thì cả dân tộc Việt Nam sẽ có một sức khỏe tuyệt vời vì đã biết bảo vệ sức khỏe ngay từ bé.

Thật đáng tự hào khi phương pháp của GS.TS Bùi Quốc Châu ngày càng được đông đảo người bệnh đón nhận vì phương pháp này đã biến mọi người bệnh thành thầy thuốc của chính mình.

Học và làm theo những gì GS.TS Bùi Quốc Châu dạy, chúng tôi, những người may mắn được làm học trò của Thầy, sẽ luôn vận dụng những điều Thầy nói vào thực tế chữa bệnh. Diện Chẩn, một phương pháp chữa bệnh đang được phát triển và cải tiến ở trong và ngoài nước. Phương pháp chữa bệnh không dùng theo phương pháp của Đông Y và Tây Y, nhưng lại mang lại hiệu quả rõ rệt cho người bệnh. Nhờ có Thầy tôi tin tưởng rằng phương pháp này sẽ còn được nhân rộng và phổ biến hơn nữa trong nhân dân. Phương pháp ấy còn được đi xa hơn nữa, không chỉ trong cộng đồng người Việt Nam mà còn vang xa cả thế giới, giống như câu hát của nhạc sỹ Võ Hơn “Lan khắp đại dương, năm châu vui mừng đón…”.
Và giờ đây sắp tới kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Diện Chẩn Việt Y đạo, những người học trò như tôi và các anh chị em trên khắp cả nước lại có dịp được học thêm những phát minh mới của Thầy.

Hà Nội 15/6/2015
BS. Nguyễn Đắc Thảo