In bài này

Vietmassage - lịch sử phương pháp xoa bóp Việt Nam

 Vietmassage là một kỹ thuật xoa bóp thuần túy Việt Nam do GS.TSKH Bùi Quốc Châu sáng tạo. Phương pháp Massage này không dựa vào hệ thống Kinh Lạc của Đông Y và cũng không đặt cơ sở trên y thuật Tây phương. Vietmassage không chỉ sử dụng hai bàn tay mà còn phối hợp với rất nhiều dụng cụ diện chẩn chuyên biệt. 
Vietmassage môn massage của Việt Nam

Từ Tổng Quan & Lược Sử Về Các Phương Pháp Xoa Bóp tại VN & Thế Giới, Đến Vietmassage Của Diện Chẩn.

Ngay từ thời cổ đại, con người đã biết dùng đôi bàn tay khéo léo của mình không chỉ để chế tạo những công cụ phục vụ cho đời sống trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mà họ còn biết vận dụng để tác động lên cơ thể bằng những kỹ thuật tuy nhẹ nhàng nhưng lại có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tật, đem lại sự thoải mái cho cơ thể lẫn tinh thần.  Một trong những kỹ thuật đó  là xoa bóp (massage)

Chúng ta biết rằng phương pháp xoa bóp có khá nhiều trường phái khác nhau xuất phát từ nhiều nơi trên thế giới. Ở Ai Cập, khi khảo sát các bức tranh trên đá cách đây hơn 5000 năm, người ta đã thấy có hình những người nằm xoa bóp. La Mã thời cổ đại cũng đã dùng các liệu pháp xoa bóp sau khi tắm, còn ở Ấn Độ, xoa bóp được sử dụng như một nghi thức trong các buổi lễ Tôn Giáo, sau các buổi tập thở và Tập Yoga. Còn ở Trung Quốc, xoa bóp đã có một lịch sử rất lâu đời. Theo sách Nội Kinh Tố Vấn, thiên Dị Pháp đã đề cập đến những phép xoa bóp khác nhau

Tại các nước Tây Âu thì các phương pháp xoa bóp cũng rất đa đạng và ngay từ thế kỷ 17 tại các trường Đại học Y Khoa, người ta đã tìm thấy nhiều luận án đề cập đến lợi ích của xoa bóp. Hiện nay xoa bóp đã được phát triển rộng rãi trên thế giới và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ Y Học cho đến thể dục thể thao đều có những kỹ thuật xoa bóp phong phú.

Xoa bóp là gì? Đó là một tiến trình tác động bằng tay, trực tiếp trên da thịt với những kỹ thuật khác nhau tùy theo mỗi trường phái, mỗi quốc gia hay xuất xứ từ Đông phương hoặc Tây phương. Nhưng tất cả đều  nhằm mục đích tạo ra những kích thích vào hệ thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho hệ thần kinh, đem lại sự thư giãn, nâng cao quá trình dinh dưỡng của cơ thể. Đối với hệ cơ và xương khớp, xoa bóp còn làm giãn cơ nhất là với các nhóm cơ đã bị co cứng trước đó và gia tăng tính linh hoạt của khớp và giảm khả năng bị chấn thương. Xoa bóp còn giúp cho gia tăng việc tuần hoàn máu, góp phần chống viêm, giảm phù nề.

Ngoài ra, xoa bóp còn kích thích hệ thống lympho, làm tăng miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh từ đó gây nên tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ, và điều hòa chức năng nội tạng, tăng cường nhu động của dạ dày, ruột và cải thiện chức năng tiêu hoá, tăng dinh dưỡng của da làm da bóng đẹp, có tác dụng tốt đối với chức năng bảo vệ của da. Xoa bóp còn có nhiều tác dụng khác góp phần phục hồi sức khỏe.

CÁC HÌNH THỨC XOA BÓP (Massage)

Có rất nhiều trường phái hay hình thức xoa bóp khác nhau mà phổ biến là các kỹ thuật sau :

Xoa bóp kiểu Thuỵ Điển: Đây là kỹ thuật đơn giản và cơ bản nhất với 5 bước:

– Trượt nhẹ đều hai bàn tay lên toàn thân để thư giãn các bắp thịt.

Ép và nâng lên cao toàn thân để các bắp thịt được vận động nhẹ nhàng, giúp bắp thịt thư giãn và cải thiện tuần hoàn máu.

Làm nóng làn da và các bắp thịt bằng những động tác chà xát mạnh theo những đường tròn để làm căng duỗi các thớ bắp thịt, làm thông các huyệt đạo của bắp thịt và cải thiện các bắp thịt cũng như sự mềm dẻo của các khớp.

Dùng hai tay gõ nhanh theo nhịp để kích hoạt các bắp thịt cải thiện tuần hoàn máu đồng thời làm săn da, giúp bắp thịt thư giãn, tránh co thắt.

Dùng bàn tay và các ngón tay gõ nhẹ trên da để thư giãn những áp lực chúng có thể còn sót lại trong bắp thịt cũng như giúp nâng cao hoạt động của tuần hoàn máu.

Xoa bóp kiểu Nhật Bản (Shiatsu): Bằng cách dùng các ngón tay và ngón tay cái để ấn mạnh lên những vị trí để tạo áp lực trên cơ thể. Một số kỹ thuật viên còn dùng khuỷu tay và đầu gối trong suốt thời gian massage. Những vị trí trên cơ thể được kích hoạt bằng cách động tác gõ, ép, chà một cách cẩn thận, giúp giải toả và phục hồi luồng năng lượng trong cơ thể. Liệu pháp này giúp giảm đau và thư giãn bắp thịt, cải thiện tuần hoàn máu.

Xoa bóp kiểu Ấn Độ: (Ayuveda) Kỹ thuật cổ xưa để massage phần cổ, vai và đầu. Đầu tiên, kỹ thuật viên sẽ xoa bóp và ép mạnh lên cổ và hai vai để giải toả áp lực bắp thịt. Mỗi lần thực hiện gồm cả massage đầu và da đầu. Kỹ thuật viên đặt cổ tay lên đầu và dùng các đầu ngón tay để vuốt nhẹ lên da đầu, cũng giống như gội đầu vậy, để tăng tuần hoàn máu và giúp đưa thêm máu về não. Trước khi kết thúc, kỹ thuật viên sẽ massage mặt bằng cách chà nhẹ lên hai thái dương theo những đường tròn nhỏ. Cứ mỗi lần kết thúc, sẽ chà nhẹ lên trán chiều giữa ấn xuống mỗi bên mặt dần xuống thái dương, sau đó vuốt nhẹ dần từ trán xuống dưới đầu cho đến khi những ngón tay của kỹ thuật viên nhấc lên khỏi đầu. Cách này giúp giải toả sức căng từ vai và cổ, giải toả áp lực của xoang, giảm stress có thể gây nhức đầu.

Xoa bóp kiểu California : Đây là phương pháp xuất phát từ San Francisco vào đầu những năm 1970. Kỹ thuật viên xoa bóp trên toàn thân với một vài loại dầu thích hợp với các động tác chậm, sau đó là những cú chạm nhẹ, xoa nắn rồi ấn mạnh. Kỹ thuật viên phải nắm vững về hệ thần kinh, các điểm phản xạ và tổ chức cơ bắp trên cơ thể. Kỹ thuật xoa bóp California nhằm làm cho con người thư giãn, giải phóng và làm hợp nhất thân thể và trí não. Nó nhẹ nhàng và khuấy động các giác quan bị căng thẳng và làm việc quá mức.

Ngoài ra còn có các phương pháp xoa bóp với những kỹ thuật đặc thù như:

Xoa bóp các mô bên trong: đặc biệt giúp chữa trị cho từng vùng riêng biệt trên cơ thể. Kỹ thuật viên dùng khuỷu tay hoặc các khớp đốt ngón tay của bàn tay thực hiện những thao tác chậm và sâu xuyên qua thớ bắp thịt và qua gân. Liệu pháp này nhằm hạn chế và thông máu đến bắp thịt, tái phục hồi năng lượng các mô nhờ vào oxy tươi và thông các huyệt đạo bị tắc nghẽn trong các thớ của bắp thịt.

Xoa bóp với đá nóng: Đá được làm hơi nóng trước trong nước. Mỗi lần xao bóp, tuỳ theo nhiệt độ riêng từng bộ phận trên cơ thể, đá được đặt tại vị trí đó. Hơi nóng từ đá thâm nhập vào các bắp thịt giúp thư giãn, co duỗi các thớ bắp thịt và cải thiện tuần hoàn máu. Liệu pháp này sử dụng cho toàn thân, trừ mặt, và sẽ giảm đau và sức căng bắp thịt, cải thiện độ mềm dẻo bắp thịt và tăng cường tuần hoàn máu.

Xoa bóp phản xạ: Dành cho bàn tay và chân. Đầu tiên, bàn tay và chân được chà nóng nhẹ để làm ấm trước khi xoa bóp. Kỹ thuật viên dùng ngón tay cái và các ngón tay để thăm dò vị trí gồm vùng giữa các ngón tay và chân để tìm có tổn thương nào không. Vùng bị tổn thương được tập trung ép và chà nhẹ trước khi di chuyển dần sang vùng tiếp theo. Mỗi lần kết thúc, kỹ thuật viên chà và vuốt nhẹ bàn tay hoặc chân thêm lần nữa, để giảm stress.

Xoa bóp khi có thai: Tập trung các vùng chủ yếu như lưng và mông, cẳng chân và chân. Đối với lưng và chân, kỹ thuật viên sẽ dùng nắm tay mềm dẻo và di chuyển khuỷu tay từ cổ xuống hông, sau đó di chuyển nắm tay lên xương sườn. Kỹ thuật viên cũng tạo áp lực vùng dưới xương sống giữa mông bằng cách dùng gan bàn tay. Cẳng chân và chân cũng được kỹ thuật viên xoa nhẹ. Liệu pháp này giúp thư giãn bắp thịt và tăng cường tuần hoàn máu.

Trên đây là một số trường phái và kỹ thuật xoa bóp phổ biến nhất, đem lại những hiệu quả nhất định cho người thụ hưởng trong khi đối với kỹ thuật viên xoa bóp thì nó chỉ được xem như một hoạt động nghề nghiệp, và thường bị đánh giá thấp vì những biến tướng của nó. Điều này không đem lại cho họ những giá trị tinh thần cần thiết trong khi xoa bóp cũng là một trong những liệu pháp chữa bệnh hiệu quả và đem lại những lợi ích cụ thể cho cả người sử dụng cũng như người thụ hưởng.

Vietmassage và Thái massage

Ảnh: Xoa bóp kiểu Thái Lan.

PHƯƠNG PHÁP XOA BÓP TẠI VIỆT NAM

Việt Nam là một đất nước với một nền văn hóa lâu đời cũng đã có một nền y học cổ truyền với những danh y nổi tiếng …cùng với những bài thuốc Nam và những kỹ thuật chữa bệnh đặc thù đã được lưu truyền và phổ biến rộng rãi. Thế nhưng kỹ thuật xoa bóp vẫn chủ yếu là vận dụng những trường phái đến từ Trung Hoa, Nhật Bản và sau này là các kỹ thuật Tây phương . Các kỹ thuật này đã dược đưa vào giảng dạy trong những cơ sở đào tạo chính quy hay không chính quy cũng như giới thiệu và phổ biến trên các phương tiện truyền thông.  Trong khi đó thì thực ra từ rất lâu đã có những danh y đề cập đến những phương pháp chữa bệnh bằng xoa bóp như:

Tuệ Tĩnh: Vào thế kỷ 14 đã tổng kết những kinh nghiệm xoa bóp thời bấy giờ để chữa một số bệnh (Sách Nam Dược Thần Hiệu)  Thí dụ: Xoa với bột gạo tẻ để trị chứng ra nhiều mồ hôi. Xoa với bột hoạt thạch và bột đậu xanh để trị rôm sảy. Xoa với hạt cải ngâm dấm để chữa da thịt tê dại. Xoa với hạt cải ngâm rượu để điều trị đau lưng. Xoa với rượu ngâm quế điều trị bại liệt.

Nguyễn Trực: vào thế kỷ thứ 15, trong cuốn “Bảo anh lương phương” (Chữa bệnh cho trẻ em) đã đúc kết nhiều kinh nghiệm xoa bóp với các thủ thuật xoa, bấm, miết, vận động , kéo …..tác động lên kinh lạc, huyệt để điều trị các chứng đau bụng, ỉa chảy, lòi dom, tích trệ….

Đào Công Chính: Vào thế kỷ 18, trong cuốn “Bảo sinh diên thọ toản yếu” đã tổng kết các phương pháp tự tập luyện, tự xoa bóp để phòng và trị bệnh.

Hải Thượng Lãng Ông:  Thế kỷ 18, đã nhắc lại các phương pháp trị liệu bằng xoa bóp để phòng và trị bệnh trong cuốn “Vệ sinh yếu quyết”.

Nhưng đến nay  đối với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe không dùng thuốc được xem là đặc thù của dân tộc, thì chỉ còn những hình thức được lưu truyền như cạo gió (Đánh gió), giác hơi hay tẩm quất với những kỹ thuật đôi khi có thể đem lại những hậu quả tai hại cho người thụ hưởng bởi vì các người hành nghề tẩm quất, cạo gió giác hơi thường chỉ học theo kiểu bắt chước lẫn nhau mà chủ yếu là dựa trên cách dùng các xảo thuật, thậm chí họ có thể tùy tiện đưa vào đó những cách riêng mà không hề dựa trên nền tảng về kinh huyệt hay cơ thể học. Nói cách khác là không được đào tạo một cách bài bản vì mục đích duy nhất là kiếm sống, phải học càng nhanh càng tốt và vừa học vừa làm. Thậm chí là họ có thể chiều theo những yêu cầu của khách hàng  về một số phương diện khác, khiến họ bị xem thường như một nghề nghiệp hạ lưu của những người cùng khổ. Chính vì những hệ quả này, mà các kỹ thuật xoa bóp, tẩm quất, giác hơi hay đánh gió đã không đem lại cho Việt Nam niềm tự hào nào cho một dân tộc được xem là thông minh và khéo tay. 

ĐI TÌM MỘT TRƯỜNG PHÁI VIỆT (VIETMASSAGE)

Sau nhiều năm trăn trở với mục đích đem lại không chỉ là sức khỏe, niềm vui mà còn là niềm tự hào dân tộc, từ những năm 1980 tại Thành phố Hồ Chí Minh, một nhà nghiên cứu về y học đã sáng tạo ra một hệ thống phòng chống và điều trị các loại bệnh tật mà ông gọi là Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp. Dựa trên nền tảng Triết Lý Đông Phương, quy luật Âm Dương và kho tàng văn hóa Việt, phối hợp với y thuật Tây phương, GS.TSKH Bùi Quốc Châu đã đưa ra một đường hướng Y học gọi là   Việt Y Đạo. Đây không chỉ là những kỹ thuật chữa bệnh không dùng thuốc dựa trên các huyệt đạo, mà nó còn bao gồm rất nhiều những phương pháp khác nhau, từ phép thở Âm Dương Khí Công cho đến các nguyên lý Ẩm thực dưỡng sinh, Thai giáo … trong đó có một kỹ thuật xoa bóp được gọi là Vietmassage hay Xoa bóp Việt Nam.

Cũng giống như các trường phái hay kỹ thuật xoa bóp chuyên nghiệp, Vietmassage là một kỹ thuật dựa trên những tác động bằng tay vào các vùng trên cơ thể, chủ yếu là đầu, mặt, cổ gáy, lưng, ngực bụng, cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân.  Tuy nhiên, nếu so với các kỹ thuật khác thì Vietmassage có rất nhiều điểm khác biệt và độc đáo.

Trước hết và trên hết thì Vietmassage là một kỹ thuật xoa bóp thuần túy Việt Nam, do một người Việt Nam là GS.TSKH Bùi Quốc Châu sáng tạo và giới thiệu. Nó không dựa vào hệ thống Kinh Lạc của Đông Y và cũng không đặt cơ sở trên y thuật Tây phương dù vẫn tuân theo những nguyên tắc cơ bản về Âm Dương Hàn Nhiệt và cấu trúc cơ thể học. Vietmassage không chỉ sử dụng hai bàn tay mà còn phối hợp với rất nhiều dụng cụ chuyên biệt. Các dụng cụ này cũng do GS Châu và người con của ông là lương Y Bùi Minh Tâm chế tác ra, khác với các công cụ xoa bóp của các nước khác.

Thứ đến, Vietmassage cũng là một phương pháp phòng và chữa bệnh như các phương pháp xoa bóp khác, chủ yếu là đem lại sự thoải mái về tinh thần nhưng đặc biệt là có khả năng chẩn đoán, phát hiện các tình trạng không ổn định hay đau yếu của thân chủ, dựa trên sự phát hiện những điểm đau (Sinh huyệt) trong quá trình tác động bằng các động tác xoa bóp. Đây là một trong những nguyên lý quan trọng của y học dự phòng, đó là phòng bệnh thì tốt hơn là chữa bệnh . Tuy nhiên, Vietmassage chủ yếu là sử dụng những kỹ thuật đơn giản, dễ làm, dễ học với mục đích phổ biến một cách rộng rãi cho mọi đối tượng, nên không thay thế các kỹ thuật chẩn đoán và chữa bệnh của phương pháp Diện Chẩn vì đây là phương pháp tự phòng và chữa bệnh cho bản thân cũng như cho người khác với nhiều kỹ thuật khác nhau, có thể chẩn đoán, điều trị hầu hết mọi bệnh chứng.

Vietmassage là một kỹ thuật xoa bóp chuyên nghiệp nên người kỹ thuật viên Vietmassage cần phải được đào tạo một cách bài bản với những bài học cơ bản về :

Cơ thể học : Cấu tạo hệ xương khớp và các đường dây thần kinh, hệ cơ bắp

Bệnh học : Các kiến thức cơ bản về triệu chứng của một số bệnh tật thông thường

Diện Chẩn : Các nguyên lý về phản chiếu và đồng ứng

Kỹ thuật xoa bóp :  Lý thuyết và thực hành những kỹ thuật xoa bóp cơ bản.

Hệ kinh lạc: Những huyệt đạo theo Đông Y có tác dụng trị liệu và cả những phản ứng nguy hiểm của các tử huyệt.

Với mục đích phổ biến và đem lại cho những ai có nhu cầu về kinh tế hay cả về việc tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cho những người trong gia đình mình, các giáo trình đã được soạn thảo và trình bầy với một hình thức giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ và chủ yếu là dựa trên thực hành nên có thể nói Vietmassage thích hợp cho mọi độ tuổi, mọi trình độ. Đây cũng là chủ trương và đường lối chung của Việt Y Đạo thông qua các phương pháp như Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp hay Âm  Dương khí công. Điều này đã được minh chứng qua hàng trăm khóa học được tổ chức ở trong và ngoài nước với hàng trăm ngàn học viên đủ mọi thành phần xã hội, mọi độ tuổi và trình độ khác nhau, đều có thể học và áp dụng một cách dễ dàng.

NGUYÊN TẮC VÀ THỰC HÀNH VIETMASSAGE

Về kỹ thuật thì Vietmassage yêu cầu động tác chính xác và có kỹ thuật nhất định, chủ yếu là kiên trì, mạnh mẽ, đồng đều, mềm mại, thấm sâu. Hình thức xoa bóp chủ yếu là thao tác bằng tay, hoặc bằng dụng cụ chuyên biệt của Diện Chẩn, có thể bôi thêm các loại thuốc đặc biệt như: cao, kem xoa bóp, dầu Đông Thanh, dầu Hồng Hoa, dầu vừng, hoặc các chất nhờn khác v.v . Phương pháp xoa bóp gồm: đẩy, ấn, xoa, bóp, lắc, đập và dùng các dụng cụ chuyên biệt để  day, ấn, lăn, cào, gõ, chà xát.

Vì VietMassage là bộ môn phối hợp giữa xoa bóp trực tiếp trên cơ thể ( nơi các vùng có dấu hiệu đau, mỏi)  với xoa bóp phản xạ (ở xa vùng đang mỏi, đau), giữa những tác động làm cho thư giãn với tác động làm giảm đau nên một tiến trình áp dụng Vietnamsag được chia làm 3 giai đoạn:

  1. Giai đoạn xoa bóp bằng các liệu pháp xoa bóp cổ điển trên vùng vai lưng, sau đó là mông, chân rồi đầu, cổ gáy, vai, cánh tay, ngực, bụng,bắp đùi và sau cùng là vùng mặt. Với các tác động ở lưng, đùi, cánh tay có thể kết hợp với các dầu bôi trơn có mùi thơm đặc trưng. Với các tác động ở vùng mặt có thể dùng cây dụng cụ Sao Chổi hay đôi đũa thần để tác động lên 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết giúp cho thân chủ khỏe khoắn và sảng khoái.
  2. Sau 30 phút xoa bóp, kỹ thuật viên bắt đầu vận dụng kiến thức về Đồ hình phản chiếu và Đồng ứng để chẩn đoán về tình trạng sức khỏe cho thân chủ. Dùng tay kết hợp với dụng cụ Diện Chẩn như cây dò huyệt để dò tìm vùng đau, vùng nóng hay lạnh bất thường, vùng da thịt cứng hay mềm nhão và những dấu hiệu bất thường khác. Có thể kết hợp với cây lăn, cào …để tìm kiếm những điều không bình thường, bên cạnh việc quan sát và hỏi thăm về tình trạng sức khỏe.
  3. Sau khi dò ra các điểm đau ( Sinh Huyệt) hay phát hiện có những dấu hiệu bất thường thì kỹ thuật viên bắt đầu tác động bằng các thủ pháp thích hợp ( Bằng tay hoặc dụng cụ) cho đến khi đạt kết quả, giúp cho thân chủ giảm đau, có sự dễ chịu. Trong trường hợp phát hiện những căn bệnh mãn tính, có thể đề nghị thân chủ đến các phòng khám của Diện Chẩn để được chẩn đoán và trị liệu đầy đủ và đạt hiệu quả tốt hơn.

NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI ỨNG DỤNG VIETMASSAGE:

  • Cần làm cho người được xoa bóp (thân chủ) tin tưởng vào phương pháp để họ phối hợp tốt với kỹ thuật viên.
  • Phát huy sự chủ động trong quá trình chẩn đoán .
  • Chỉ dẫn những điều kiêng cữ, những điều nên làm khi ở nhà.
  • Cần tiến hành đầy đủ các bước trong quá trình xoa bóp
  • Không làm xoa bóp khi thân chủ quá đói hoặc quá no.
  • Thân chủ mới đến cần nghỉ 5 – 10ph trước khi xoa bóp.
  • Thủ thuật xoa bóp nặng nhẹ phải phù hợp với tình hình sức khỏe của thân chủ.

Đối với người mới, nhất là thân chủ nữ, cần nói rõ cách làm để họ yên tâm, tránh hiểu lầm đáng tiếc. 

HIỆU QUẢ VIETMASSAGE: 

Xoa bóp có thể nói là một phương pháp phòng bệnh và giảm đau hiệu quả nếu được thực hiện đúng kỹ thuật, nó còn đem lại những hiệu quả sau:

Một là: điều chỉnh chức năng phủ tạng. Bởi vì bệnh lý của con người là sự mất quân bình và rối loạn sự vận hành của các cơ quan trong cơ thể . Xoa bóp theo Vietmassage chủ yếu là đem lại sự thư giãn và giúp chothân chủ hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình

Hai là: làm thông suốt kinh lạc và khí huyết , đem lại cho cơ thể những năng lực để tự điều chỉnh các rối loạn chức năng của cơ quan trong một phạm vi nào đó. Vietmassage không làm công tác điều trị mà chủ yếu là giúp nâng cao thể trạng cơ thể, tránh được nguy cơ mắc phải các loại bệnh và nhất là có khả năng chẩn đoám phát hiện những biểu hiện bệnh lý, giúp cho thân chủ biết định hướng khả năng điểu trị trong trường hợp cần thiết.

Điều quan trọng nhất là Vietmassage là một kỹ thuật xoa bóp độc đáo của Việt Nam mà ai cũng có thể học tập và thực hành, trước là giúp ích cho bản thân và gia đình, đồng thời có thể tham gia vào các cơ sở Xoa bóp để có một cuộc sống ổn định hơn về kinh tế và nhất là đem lại những giá trị về nhân văn cho người áp dụng phương pháp này.

(Nguồn tư liệu: VP/TT.VYĐQT - dienchan.com)