Đồng ứng trong Diện Chẩn
Trong bộ kinh Dịch của Khổng Nho có câu: “Đồng thanh tương ứng - đồng khí tương cầu” để nói lên sự hiểu biết lẫn nhau một cách sâu sắc giữa hai người, mà trong lịch sử Trung Quốc, hai danh sĩ Bá Nha và Tử Kỳ là tiêu biểu cho tính chất này.
Nhưng trong lĩnh vực y học, và cơ thể học thì ít ai để ý rằng thân thể chúng ta cũng có rất nhiều bộ phận có tính chất và hình dáng tương tự nhau.
Có thể nói đây là một khía cạnh rất tinh tế mà ít ai để ý đến, như trong ngôn ngữ Việt có những danh từ chỉ cơ thể như : Sống mũi - sống lưng, cổ tay - cổ họng , bàn tay – bàn chân… minh họa một cách cụ thể tính chất này. Điều này đã được một nhà nghiên cứu và phát minh là TSKH. Bùi Quốc Châu tìm ra trong quá trình xây dựng và hình thành phương pháp Diện Chẩn - Điều khiển Liệu Pháp. Không những thế TSKH Bùi Quốc Châu, đã dựa trên nền tảng này để khám phá ra tính chất liên đới, hỗ tương nhau giữa các bộ phận có hình dáng, tên gọi tương tự nhau, từ đó đã xây dựng nên một trong những kỹ thuật chữa bệnh hiệu quả của Diện Chẩn mà ông gọi là nguyên lý Đồng Ứng.
Trước hết, đó là sự đồng ứng giữa bàn tay với các ngón tay và các bộ phận trên cơ thể con người, mà trong đó đầu mỗi ngón tay tương ứng với đầu của con người, các khớp ngón tay cũng tương ứng với khớp vai và khớp chân (Đầu gối). Vì thế, khi ta bị đau đầu, đau vai, đau khớp gối ngoài việc tác động ngay tại chỗ (Đau đâu chữa đó) thì việc tác động trên các ngón tay, đặc biệt là với biện pháp ấn sinh huyệt và hơ điếu ngải cứu cũng có tác động rất hiệu quả trong việc làm giảm đau các vùng vai, cổ, đầu gối …
Không chỉ thế, mà qua việc nắm, co, gấp bàn tay cho ta hình dung được các bộ phận bên trong của cơ thể như bàn tay úp đồng ứng với não bộ, nắm tay với ngón cái giơ lên đồng ứng với trái tim, vì thế việc chuyển động bàn tay ( mở ra và nắm lại) sẽ tác động tốt đến nhịp tim, có khả năng làm giảm huyết áp hay việc hơ ngải cứu trên lưng bàn tay có tác dụng tốt đến việc kích thích việc tuần hoàn máu trên não bộ.
Cũng cần phải nói thêm, việc tác động lên bàn tay, cổ tay để chữa bệnh không phải là một điều mới lạ, đó là một trong những kỹ thuật của Châm Cứu ( Thủ Châm) qua việc tác động lên một số huyệt đạo trên bàn tay, cũng như đó là một trong những liệu pháp massage kích thích huyệt đạo đã có từ lâu. Nhưng, từ việc vận dụng một câu Tục Ngữ trong kho tàng văn hóa Việt, rồi lại dựa trên những nguyên lý về kinh huyệt để tìm ra những tác động qua lại không chỉ bằng các huyệt đạo giữa bàn tay với các bộ phận khác trong cơ thể mà là toàn bộ bàn tay với các động tác khác nhau (cũng là các ngón tay, khi giơ lên là cánh tay, khi úp xuống lại là hai chân, khi nắm lại là trái tim và cũng là cái đầu, v.v) để xây dựng nên một kỹ thuật chữa bệnh, giảm đau có hiệu quả cao thì đây là một khám phá hoàn toàn mang tính sáng tạo, nó đã mở ra một kỹ thuật hoàn toàn mới, hoàn toàn Việt Nam. Kỹ thuật này không những chỉ làm phong phú thêm cho các biện pháp phòng chống bệnh tật không dùng thuốc mà còn đem lại niềm vui và an tâm cho những người am hiểu vì họ đã có trong tay một biện pháp đơn giản, hiệu quả và an toàn.
Lê Khoa