Thập chỉ đạo - Kỳ 2 - Gặp cao nhân Ấn Độ, thành ‘thần y bấm huyệt’
Gặp cô bé gầy gò, đen nhẻm, lê la đầu đường xó chợ xin ăn, võ sư họ Huỳnh gốc Bình Định đem Trần Thị Kim Thanh về nuôi dưỡng. Vị võ sư này lập nghiệp ở Bình Dương và có một võ đường lớn, dạy hàng trăm võ sinh.
Để có miếng ăn, Thanh đã làm việc phụ giúp vị võ sư này như người ở. Thanh ngoan ngoãn, chịu khó, nên võ sư họ Huỳnh rất quý mến.
Xem các võ sinh tập luyện, cô bé Thanh gầy còm, đen nhẻm cũng múa may, tập theo. Thấy cô bé giúp việc có vẻ mê võ thuật, võ sư họ Huỳnh đã cho Thanh học võ sau giờ làm. Vị võ sư này đã hết sức ngạc nhiên bởi sự tiếp thu võ thuật rất tốt của Thanh, ông dạy đến đâu, Thanh học được đến đó.
Mộ bà Huỳnh Thị Lịch |
Chỉ học một thời gian ngắn, Thanh đã đấu được với các võ sinh cả nam lẫn nữ. Võ sư họ Huỳnh rất quý Thanh, đã nhận làm học trò, sau đó nhận con nuôi. Ông đã đổi lại tên cho con nuôi. Từ đó, Trần Thị Kim Thanh có tên là Huỳnh Thị Lịch, tức mang họ của vị võ sư.
Bà Trần Thị Hường, học trò của cụ Huỳnh Thị Lịch kể rằng, khi cụ Lịch ở tuổi 60, cụ vẫn múa võ ngoài sân. Đêm xuống, lúc cụ tập khí công, lúc đi quyền. Cụ cầm thương, đao múa loang loáng trong những đêm trăng rất đẹp mắt.
Cụ Lịch kể với bà Hường rằng, chính vì được học võ thuật kỹ lưỡng, nên bà hiểu rất rõ kinh lạc trên cơ thể người.
Sau khi rời võ đường của võ sư họ Huỳnh ở Bình Dương, bà tham gia công tác từ thiện của một đoàn bác sĩ người Pháp ở Sài Gòn. Bà được một bác sĩ Pháp nhận vào làm tại Bệnh viện Hỏa Xa.
Thấy cô y tá tò mò về mổ xẻ bệnh nhân, lại am hiểu kinh mạch, bộ phận cơ thể người, nên ông cho Lịch phụ mổ. Trong nhiều lần mổ tử thi, ông cũng cho Lịch tham gia. Bác sĩ người Pháp đã rất kinh ngạc khi thấy cô y tá giúp việc chưa một ngày học về mổ xẻ mà nói về kinh lạc con người vanh vách, đặc biệt là các huyệt đạo.
Di ảnh "thần y bấm huyệt" Huỳnh Thị Lịch |
Thấy quý Lịch, nên ông đã nhận Lịch làm gia sư cho hai cô con gái, kiêm giúp việc, quản lý gia đình cho bác sĩ người Pháp này.
Năm 18 tuổi, Lịch gặp anh thanh niên tên Trần Văn Hải, người Củ Chi. Hai người yêu nhau, muốn xây dựng gia đình. Thế nhưng, gia đình Hải gia thế, không chấp nhận cô con dâu không cha, không mẹ, thân thế giúp việc.
Không được gia đình chấp nhận, ông Hải đã bỏ nhà ở riêng với người yêu. Ông Hải xin làm công nhân trong nhà máy sản xuất đèn. Hai người được cách mạng cảm hóa, nên đã theo Việt Minh, hoạt động bí mật trong lòng địch.
Hàng ngày, bà Lịch quẩy gánh bán hoa ở khu vực nội thành, tiếp xúc với hàng ngũ địch, thu thập thông tin. Năm 1948, ông Hải đã hy sinh anh dũng khi làm chiến sĩ quân báo, để lại 3 đứa con cho bà Lịch nuôi dưỡng.
Thân thế bại lộ, bà Lịch bế con trốn về Đồng Tháp Mười, tiếp tục hoạt động cách mạng. Bi kịch liên tiếp xảy đến với người đàn bà bất hạnh này. Cô con gái 13 tuổi đã bị bọn Tây bắt cóc đem ra cánh đồng cưỡng hiếp. Cưỡng hiếp chán chê, chúng giết cô bé.
Bà Trần Thị Hường (bên phải), học trò của bà Lịch |
Nỗi đau chưa nguôi, thì 2 người con trai nhỏ xíu đã chết trên tay bà. Đợt đó, bọn địch tổ chức càn quét vào Đồng Tháp Mười. Bà bế 2 con cùng các chiến sĩ du kích trốn ra cánh đồng, lặn ngụp bờ sông.
Khi bọn địch càn qua, hai cậu con kêu khóc, sợ địch phát hiện thì nhiều người mất mạng, bà đành bóp mũi con lặn xuống sông. Khi bọn địch đi qua, trồi lên mặt nước, thì 2 cậu con đã tắt thở.
Thảm kịch kinh hoàng khiến bà Lịch tưởng như không gượng dậy được. Bà về Sài Gòn, lang thang các con phố như người mất trí, miệng gọi tên con.
Trong lúc đi lang thang, bà gặp lại vị bác sĩ người Pháp. Ông bác sĩ tốt bụng này đã đưa bà về nhà chăm sóc, điều trị. Một thời gian sau, bà tỉnh táo bình thường.
Để bà quên đi nỗi đau quá lớn, bác sĩ này đã đưa bà sang Pháp, giúp việc cho gia đình này.
Ở nhà vị bác sĩ người Pháp này một thời gian, bà quyết tâm chu du thiên hạ. Biết tiếng Pháp, lại chăm chỉ, nên bà dễ dàng kiếm được việc làm. Cứ có tiền, bà lại lên đường tìm đến vùng đất mới.
Phương pháp Thập thủ đạo (Thập chỉ liên tâm pháp) dựa trên kinh mạch của 10 ngón tay, chân |
Sau mấy năm lưu lạc, thì bà dạt tới tận biên giới Ấn Độ, giáp Pakistan. Tại đây, bà gặp một đạo sĩ, sống trong một ngôi chùa trong núi. Vị đạo sĩ này có khả năng bấm huyệt kỳ tài. Biết bà Lịch giỏi võ, am hiểu kinh lạc, nên đạo sĩ đã nhận bà làm học trò.
Hàng ngày, đạo sĩ bấm huyệt cho rất nhiều người. Bà Lịch vừa phụ giúp ông, vừa học tập cách bấm huyệt. Môn bấm huyệt của ông có tên là Thập thủ đạo, tức là phương pháp bấm huyệt dựa vào kinh mạch trên 10 ngón tay, chân.
Bà Lịch đã rất kinh ngạc trước khả năng kỳ tài của vị đạo sĩ này. Ông đã giúp hàng ngàn người đang câm tự dưng bật ra tiếng nói, đang điếc bỗng nghe được, thậm chí đang chống nạng thì bỏ nạng, ngồi xe lăn thì đứng lên đi… Người dân trong vùng coi vị đạo sĩ này như thánh nhân, gặp thì quỳ rạp khấn vái.
Thấy môn bấm huyệt này rất thần thông, bà Lịch chuyên tâm học hỏi. Vừa học vừa thực hành, nên bà Lịch nắm bắt rất nhanh, có khả năng bấm huyệt trị được nhiều thứ bệnh.
Bác sĩ Dư Quang Châu nghiên cứu, truyền bá môn bấm huyệt này ra cộng đồng |
Năm thứ 12, biết mình không sống được nữa, vị đạo sĩ này gọi bà Lịch đến bảo: “Số ta đã tận, không sống thêm được nữa. Chỉ tiếc rằng chưa truyền hết được cho con tinh hoa của môn bấm huyệt. Ta đã viết lại các kiến thức của mình vào cuốn sách để truyền lại cho con.
Ta mong con cảm thụ được hết kiến thức về môn bấm huyệt này để giúp đời. Con nên nhớ rằng, để thành tài, con phải loại bỏ hết tham sân si, trị bệnh cứu nhân độ thế, không được lấy tiền của thiên hạ, thì mới thành công được”.
Trao lại tập tài liệu cho học trò, vị đạo sĩ này ngồi kiết già đối diện với bà Lịch. Ông lấy chiếc khăn đỏ trùm lên đầu bà, yêu cầu bà tập trung tư tưởng.
Ông đặt tay lên đầu bà, niệm thần chú. Bà Lịch cảm thấy như có nguồn năng lượng nóng bỏng truyền sang mình. Bỗng dưng, bà thấy đầu óc sáng láng, cảm giác như nhìn rõ toàn bộ cơ thể mình, từng mạch máu, từng sợi cơ, với các dòng khí đậm đặc lưu chuyển trong cơ thể. Dường như đầu óc bà sáng láng hẳn ra, hiểu thấu mọi điều thầy đã nói với mình suốt 12 năm.
Ngay đêm hôm đó, vị đạo sĩ người Pakistan trút hơi thở cuối cùng. Bà Lịch nước mắt lưng tròng, chôn vị đạo sĩ phía sau ngôi chùa. Hàng ngày, bà ngồi bên mộ thầy, tập trung đọc tài liệu.
Chỉ một năm sau, vừa tự học, vừa trị bệnh, bà đã cũng đã trở thành thần y bấm huyệt nổi danh khắp vùng, là truyền nhân duy nhất của vị đạo sĩ bí ẩn được tôn xưng như thánh ở biên giới Ấn Độ.