(Diện Chẩn Việt) Cuốn sách Thập Chỉ Đạo của Lương Y Hoàng Duy Tân - Phó chủ tịch Hội Đông Y Đồng Nai được xuất bản năm 2013. Một cuốn sách thể hiện sự nghiên cứu tỷ mỷ qua nhiều năm về phương pháp bấm huyệt độc đáo mà hiệu quả kỳ diệu của Việt Nam do cố lương y Hoàng Thị Lịch sáng tạo nên. Cuốn sách đi tìm nguyên lý và cơ sở khoa học của môn bấm huyệt Thập Chỉ Đạo dưạ trên thực nghiệm những cơ thể nhạy cảm và qua thực tiễn chữa bệnh nhiều năm nhiều thế hệ. Dưới đây là bài giới thiệu về tác giả Hoàng Duy Tân do báo Người Việt ghi chép.
(Lương Y Hoàng Duy Tân) Câu chuyện về một lương y
Nguoi Viet - Thursday, September 01, 2005
Ghi chép của Hương Duyên/Người Việt
ÐỒNG NAI-VIỆT NAM – Trong giới Ðông y ở VN hiện nay, lương y Hoàng Duy Tân hiện ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai, nổi tiếng là nhà nghiên cứu, viết sách, biên dịch các tác phẩm y học cổ truyền. Ðặc biệt, ông là một trong số ít những lương y có sáng kiến đưa công nghệ tin học vào “hiện đại hóa” nền y học cổ truyền, và là người đầu tiên ở Việt Nam lập website riêng về Ðông y.
* Học Tây hành Ðông
Ông Hoàng Duy Tân tự nhận, thời trẻ không có ý định theo nghiệp Ðông y, thực tế đã học Tây y, chuẩn bị làm bác sĩ chuyên khoa nội. Duyên nợ thế nào, ngay Chợ Lớn, tình cờ ông được gặp các bác sĩ, lương y danh tiếng nước ngoài như Khổng Tường Hải, Trần Tồn Nhân. Theo học Ðông y, ông không ngờ “kho dược” phương Ðông kỳ diệu, phong phú và có sức cuốn hút ông đến lạ lùng… Nhưng có điều làm ông buồn vì “sách quý về y học cổ truyền lưu kỹ hàng ngàn năm thì nhiều, đa dạng đấy, nhưng để tiếp cận phần lớn lương y của mình… bó tay, vì đa số sách viết bằng chữ Hán.”
Những năm 1980, người ta thấy ông, cần mẫn bên chiếc máy chữ cũ kỹ nghiên cứu, biên soạn, chuyển dịch hàng chục cuốn sách sang tiếng Việt, như: Cẩm nang từ vựng châm cứu, phương thang Ðông y, Y lý y học cổ truyền, Tuyển tập y án học… Công phu nhất là quyển “Từ điển phương thang Ðông y”, khổ lớn, dày 2,500 trang, giới thiệu trên 20,000 bài thuốc quý từ cổ chí kim, được giới chuyên môn đánh giá rất cao, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho y học cổ truyền .
Ngoài ra, từ kinh nghiệm nhiều chục năm trong nghề ông đã viết nhiều tập sách hữu dụng, lối viết dễ đọc, sinh động được nhiều người ưa thích tìm mua như: Bệnh Thường Gặp Thuốc Dễ Tìm (2 tập), Những Bài Thuốc Tráng Dương Bổ Thận (2 tập)…
Nhiều tác phẩm của ông, cho tiện lợi tra cứu, ông học theo phương thức quyển Kinh Thánh của người Công Giáo, phân chia thành từng chương, từng câu. Ông nói: “kiến thức Tây y giúp tôi rất nhiều trong công việc y học cổ truyền, làm việc có khoa học, có hệ thống, đạt hiệu quả hơn, đặc biệt là việc ứng dụng khoa học công nghệ tin học.”
* Chẩn trị bệnh bằng máy điện toán
Năm 1995, công việc của ông chuyển qua“bước ngoặt” quan trọng khác. Ðấy là cái lần nhờ “tích cóp” và “cả một chút… liều lĩnh” ông mua được chiếc vi tính “second hand”, và chợt bật ra ý tưởng: Ðưa công nghệ hiện đại vào y học cổ truyền! Ông tâm sự: “Ban đầu, tưởng dễ sử dụng như… máy đánh chữ, ai dè cũng… khốn khổ”. Ðấy là những lúc hì hục đánh hàng chục trang, quên lưu, mất sạch; hoặc “máy treo”, hỏng hóc, “công cốc cho cọp nó xơi”… “bực nhất, công phu vẽ hàng chục sơ đồ huyệt châm cứu, không hiểu thế nào lúc in ra đều trắng cả!”… Biết công nghệ tin học không đơn giản như mình nghĩ, ông bắt đầu mày mò tự học tin học, từ đơn giản như MS DOS, Word, Access đến những phức tạp như các phần mềm dàn trang, đồ họa như Pagemaker, Photoshop, Coreldraw,…
Hiện ông đã viết trên 20 đĩa CD-ROM chuyên dụng về dữ liệu y học cổ truyền từ những tư liệu sách biên dịch của ông như: Sách kinh điển Ðông y, Từ điển châm cứu, Cổ kim y án, Mạch học tổng hợp, Phần mềm quản lý bệnh nhân, tác giả-tác phẩm y học cổ truyền,… Ðặc biệt ông đã hoàn thành 4 CD-ROM quan trọng: Phương thang, dược vị, châm cứu và bệnh học – những CD-ROM tư liệu về y học cổ truyền YHCT này được coi như “sách gối đầu giường” mà bất kỳ lương y nào cũng cần cho chuyên môn của mình. Ðĩa được soạn trên nền Visual Basic sử dụng rất tiện lợi, chỉ cần gõ tên bất cứ bài thuốc nào (trong dữ liệu có sẵn), enter là có ngay những thông tin đầy đủ về bài thuốc ấy.
Vốn thông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa, ông tham khảo thường xuyên các tạp chí chuyên khảo y học cổ truyền Trung Quốc, Châu Âu, kiến thức mới nhất về công nghệ tin học, nhờ đó các CD-ROM của ông luôn được “cập nhật mới” những thông tin kịp thời. CD- ROM mới nhất ông vừa hoàn thành: “Từ điển tra cứu Ðông Y dược” với đầy đủ chuyên mục bệnh học-dược vị-phương thang-hệ thống huyệt-kinh mạch lạc-châm cứu điều trị-tìm kiếm.
Theo ông công nghệ tin học hỗ trợ rất nhiều cho y học cổ truyền, giúp hệ thống hóa phương pháp chẩn trị của Ðông y. Chẳng hạn, có thể hệ thống hóa việc kê đơn. Gặp một bệnh nhân, chẩn đoán xong, muốn kê đơn bài thuốc nào, mở phần mềm ứng dụng ra, gõ tên bài thuốc cần tìm, trong tích tắc bài thuốc hiện ra với đầu đủ thành phần, liều lượng, cách chế biến, gia giảm…
Cao tay hơn, sau khi “tứ chẩn” (vọng-văn-vấn-thiết chẩn), nắm bắt được các chứng trạng bệnh nhân, lương y đưa dữ liệu vào máy tính, một phần mềm “khám bệnh” tự động nhận diện dữ liệu, phân tích, xử lý và cho kết quả chính xác bệnh chứng gì, phương thuốc chữa trị…
Với tư cách là Phó chủ tịch hội Y học cổ truyền tỉnh Ðồng Nai, ông tích cực “tuyên truyền” tiện ích của việc sử dụng máy tính. Có lần, trong một buổi họp, ông “trình diễn” việc chẩn trị bằng vi tính, các lương y trong hội đều “ồ” lên thích thú, nhưng lại “xìu” ngay vì đối với họ máy tính là loại hàng… xa xỉ, “mắc tương đương chiếc xe gắn máy làm sao sắm nổi”…
Chuẩn bị trước tình thế này, ông chứng minh bằng hàng chục mẫu quảng cáo (cắt từ trên báo) giới thiệu bán máy vi tính “second hand”, xài còn tốt chán, nhưng giá chỉ trên dưới 2 triệu đồng. “Từ ngày ấy có thêm nhiều lương y trong hội trang bị máy tính cho công việc, ứng dụng công nghệ tin học vào khám chữa bệnh”. Lương y Tân cho biết: Trung Quốc sớm quan tâm và tận dụng công nghệ thông tin hiện đại để ứng dụng và quảng bá nền y học phương đông diệu kỳ, hiện họ có 170 trang web về y học cổ truyền Ðông phương. Ở Việt Nam, website y học cổ truyền bằng tiếng Việt còn rất hiếm, ngoài trang web http://yhdantoc.net của ông (được trung tâm Medic hỗ trợ thành lập), người viết chưa thấy có thêm website nào nữa.
Ðến phòng chẩn trị của ông – cũng là nhà ở (thuộc giáo xứ Xuân Trà, phường Hố Nai, Biên Hòa, Ðồng Nai), hình ảnh ấn tượng đầu tiên là vị lương y luôn ngồi trước máy vi tính xách tay hiện đại, vừa hỏi bệnh nhân vừa thoăn thoắt đôi tay trên bàn phím, tìm hồ sơ bệnh án, phương thuốc chẩn trị… Những lúc không có bệnh nhân, ông tranh thủ dịch và nhập tư liệu vào máy tính, làm phần mềm tin học, hoặc cập nhật những thông tin y học cổ truyền mới nhất lên trang web riêng của ông. “Ý tưởng thì nhiều nhưng sức lực, thời gian lại có hạn nên tôi phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi…” Qua website của mình, nhiều sinh viên nước ngoài liên hệ ông xin tài liệu… “Tôi làm ra những phần mềm là nhắm đến những thế hệ sinh viên – những người lãnh đạo y học cổ truyền sau này, mong các em đưa ngành Ðông y phát triển tầm cỡ quốc tế”- ông tâm sự.
Hương Duyên
* Lương y Hoàng Duy Tân, 6/65 KP9, phường Hố Nai 1, Biên Hòa, Ðồng Nai; ÐT (061) 881957; E-Mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin về y học cổ truyền thì vào trang web của ông: http://yhdantoc.net
-Có thể bạn chưa biết-