In bài này

Một lương y tiên phong đạo cốt

Tìm vào nhà lương y Trần Dũng Thắng trong con hẻm lớn đường Huỳnh Văn Bánh, phường 12, quận Phú Nhuận, TP.HCM không mấy khó. Tôi đến khi cụ vừa “tan ca” được một lát (thời gian biểu chữa bệnh của cụ là sáng từ 5 giờ đến 9 giờ; chiều từ 2 giờ rưỡi đến 5 giờ). Sau khi tôi xưng danh, cụ nghiêm mặt yêu cầu tôi đánh vần tên của mình một cách rõ ràng. Tôi đánh vần rành rọt. Cụ cười xòa: “Giỏi! Biết đánh vần là giỏi!”. Mọi băn khoăn, bỡ ngỡ trong tôi tiêu tan hết – mới gặp lần đầu mà cứ như đã quen biết tự lâu rồi.

Một lương y tiên phong đạo cốt

Từ ngôi trường kháng chiến

Thật khó hình dung được rằng cụ già quắc thước, râu tóc trắng như cước, đẹp như ông tiên đang ngồi trước mặt tôi từng là giáo viên Trường Trung học chuyên khoa Phú Thọ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đầy gian lao vất vả. Suốt chín năm kháng chiến, thầy giáo trẻ Trần Dũng Thắng đã đem hết nhiệt tình, tâm huyết để truyền đạt kiến thức cho bao lứa học trò. Hòa bình lập lại, thầy được phân công về dạy ở Trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương. Nhiều học trò của thầy từ nơi đây về sau đã thành những người thành đạt, nắm giữ những chức vụ quan trọng, có người trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Thế rồi năm tháng trôi qua, tuổi chồng lên tuổi, thầy về hưu, theo con cháu vào Nam sinh sống. Một cơ duyên nào đó đã đưa thầy đến với liệu pháp “Diện chẩn điều khiển” để rồi thầy trở thành lương y chữa bệnh cứu người. Có thể nói, lương y Trần Dũng Thắng là một trong những người phát triển thành công nhất những ưu điểm của liệu pháp này.

Trong khi chúng tôi đang trò chuyện, có một thanh niên dáng trí thức bước vào xin được khám. Thầy Thắng bảo: “Hết giờ rồi con ơi, chiều hai giờ rưỡi đến nhé”. Nhưng khi thấy chàng trai nhăn nhó kêu đau, thầy hỏi bị đau gì, anh ta trả lời là đau cột sống gay đau thần kinh tọa, đã uống thuốc Tây cả tháng rồi nhưng không giảm. Thầy Thắng nửa đùa nửa thật: “Thế thì về uống thuốc nữa đi, đến khi nào bục dạ dày, đến đây ông chữa luôn cho cả hai bệnh”. Nghe vậy, chàng trai cười gượng gạo. “Nào, lại đây ông xem” – thầy bảo. Khi chàng trai tới gần, thầy bảo cúi xuống gần một chút, rồi tát nhẹ vào hai bên má người bệnh và mắng yêu: “Trông mặt mũi sáng sủa trí thức thế này mà chẳng biết gì về bệnh. Bệnh này chữa Tây y rất khó và lâu, có khi phải can thiệp phẫu thuật, nhưng xác suất thành công thấp. Thôi, để ông chữa cho. Chỉ vài ba lần là khỏi, mỗi lần chỉ mất vài phút thôi”. Thế rồi, tuy đã hết giờ chữa bệnh buổi sáng, thầy vẫn phá lệ, lấy dụng cụ ra và bắt đầu chữa cho chàng trai nọ. Đến lúc này tôi mới được tận mắt chứng kiến việc chữa bệnh theo phương pháp diện chẩn. Chủ yếu chỉ có ba động tác: bấm (ấn), lăn và hơ. Khái niệm châm trong diện chẩn không hoàn toàn giống với châm cứu trong Đông y. Kim châm làm bằng thép không rỉ, đường kính cỡ que kim đan len, nhưng đầu không nhọn mà tròn, dùng để ấn lên các huyệt vị trên mặt. Con lăn có hình thù giống quả cầu gai, làm bằng sừng trâu, có nhiều kích thước, lớn bằng quả chanh hoặc bé như quả nho. Dụng cụ để hơ là điếu ngải cứu trông từa tựa điếu xì gà, được đốt cháy một đầu. Vừa chữa bệnh, thầy Thắng vừa giảng giải về liệu pháp này cho bệnh nhân. Vốn là nhà sư phạm nên thầy thực hiện việc này rất tuyệt. Giọng thầy vui vẻ, lời thầy dí dỏm, dễ hiểu, không cao siêu, không mơ hồ, bí hiểm. Thầy cho biết nguyên tắc mà thầy tuân thủ là khi chữa bệnh, người thầy thuốc không được tỏ ra khô khan, nghiêm khắc mà phải biết làm sao cho bệnh nhân cảm thấy vui vẻ, an tâm, tinh thần thoải mái. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp mau lành bệnh.

Đức và tài của người thầy thuốc

Trong khi thầy đang chữa cho chàng trai nọ thì có một bệnh nhân trung niên bị liệt nhẹ nửa người bên phải đến xin chữa. Do đã khá trưa rồi nên thầy hẹn đến chiều. Nhưng trước khi tiễn khách, thầy mở ngăn kéo lấy ra một quyển sách mô tả các bệnh và cách chữa trị do chính thầy viết, tặng bệnh nhân, dặn dò đọc kỹ phần về bệnh liệt nửa người.

Sau khi khách đã ra về, thầy nói với tôi và người thanh niên nọ: “Làm nghề thuốc phải có cái đức. Không chỉ là chữa bệnh mà còn phải phổ biến những kiến thức về chữa trị của mình cho mọi người biết để có thể tự điều trị hoặc chữa cho người thân trong khả năng cho phép”. Quả thực, rất nhiều người sau khi được thầy chữa bệnh hiệu quả  và hầu như không tốn kém đã xin theo học để được thầy truyền dạy cho những cách chữa từ đơn giản đến phức tạp và trong số những học trò của thầy, nhiều người học xong về chữa trị cho người khác rất mát tay. Qua quan sát, chứng kiến, tôi nhận thấy phương pháp Diện chẩn điều khiển quả có nhiều ưu điểm: không đau đớn, thời gian điều trị không dài, không can thiệp ngoại khoa, không dùng thuốc (có chăng chỉ là điếu ngải cứu dùng để hơ bên ngoài như một dạng “công cụ hỗ trợ”, tốn kém chẳng là bao). Còn về hiệu quả? Sẵn đang rất đau bả vai do mấy hôm trước chơi thể thao quá sức (đau đến nỗi không thể nhấc cánh tay lên cao quá vai), tôi đánh bạo nhờ thầy chữa. Chỉ với vài cú châm ở một số huyệt nào đó trên mặt và khoảng 2 phút hơ ngải cứu, cái đau dường như tiêu tan đâu mất, chỉ còn cảm giác hơi ê ê chứ không còn đâu “tàn bạo” như trước. Thầy hỏi tôi đã hết đau chư, tôi thành thực trả lời đã  hết 95%. Thầy mỉm cười bảo: “Mai lại đến, chữa nốt 5 phần trăm còn lại nhé”.

Lương y Trần Dũng Thắng là thế – luôn vui vẻ, ân cần, niềm nở, có lúc hóm hỉnh đến bất ngờ, và tấm lòng luôn rộng mở. Cụ đã đi đến 31 nước trên thế giới (có những nước đi hàng chục lần) để chữa bệnh và truyền bá, giảng dạy về Diện chẩn điều khiển cho bà con Việt kiều và cả người nước ngoài. Trong số thư cảm ơn của hàng ngàn người từng được cụ chữa trị, tôi chú ý nhất đến bức thư của một người Pháp, chỉ với 4 dòng:

C’est miracle! (Đúng là phép màu!)C’est spectaculaire! (Quả là ngoạn mục!)
C’est génial! (Thật kỳ tài!)
C’est fantastique! (Điều kỳ diệu!)

Nhìn vóc dáng khỏe mạnh, dáng đi nhanh nhẹn của cụ, tôi tò mò hỏi tuổi cụ. Cụ cười khà khà, đưa bàn tay ra trước mặt, xua xua: “Bí mật, bí mật”.

Một số thư tri ân của học trò và bệnh nhân

  • Mỗi cử chỉ khoan thai từ tốn của cụ trong cách xử thế làm lòng con như nhận được một sự an bình nơi cụ chuyển đến. Con mường tượng như đâu đây có hình dáng của ba con, người cũng luôn luôn dạy dỗ con là làm nghề y trước tiên là phải tận tụy hy sinh cho bệnh nhân, phải để thì giờ luôn luôn học hỏi thêm để khỏi phụ lòng những người bệnh tin tưởng vào mình… Con đã nhận nơi cụ quá nhiều kiến thức quý báu vô vàn. Con xin cụ cho con được dùng hai chữ kính thầy.
    Học trò của thầy Trần Dũng Thắng – BS. Đỗ Phạm Thị Nga – 154 Cours Lafayette – 69003 Lyon, Pháp.
  • … Tôi trượt pa-tanh bị té. hai cổ tay bị bong gân trật khớp đã hơn 3 tháng nay. Mặc dù đã dùng nhiều loại thuốc rồi mà vẫn không dứt cơn đau. Dịp may gặp thầy Trần Dũng Thắng từ Pháp sang Bỉ, chỉ chữa cho tôi có mấy phút thôi, hai cổ tay tôi đã trở lại bình thường. Không còn đâu một chút nào nữa! Không thể tin nổi phương pháp chữa bệnh của thầy lại thần kỳ đến như vậy!
    Brussel, Belgium – Ngày 16/8/1999 – GS. Bomyl.
  • … Cơn đau thắt ngang lưng chạy dài xuống chân tưởng chừng như có thể làm con chết đi. Vậy mà chỉ cần Thầy có mặt điều trị, cơn đâu biến mất trong vài phút. Giờ đây, con có thể đi đứng, làm việc bình thường. Đây là điều kỳ diệu con không sao giải thích được khi kể lại cho bạn bè. Ơn thầy cứu con, con xin ghi nhớ cả đời. Con mong ơn trên luôn ban phước lành cho Thầy và gia đình để những bệnh nhân như con có được niềm hy vọng.
    Ngày 7/12/2000 – Kính thầy – Nguyễn Thúy Phượng – 541/20 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhận, TP.HCM.
  • Cảm ơn thầy Trần Dũng Thắng. Tôi may mắn được Thầy trực tiếp bấm huyệt chữa bệnh.Tôi cho rằng đây là một phương pháp chữa bệnh hết sức hiệu quả – Không phải dùng thuốc, không phải mổ xẻ… mà chỉ bấm huyệt – đơn giản thế thôi nhưng tác dụng thì rất tốt, thậm chí quá sức tưởng tượng của chúng ta. Điều này không phải chỉ có tôi nói mà đã có hàng vạn người thừa nhận. Không chỉ ở Việt Nam mà Thầy đã đi chữa bệnh ở rất nhiều nước trên thế giới và họ đã hết sức khâm phục. Đây là một phương pháp chữa bệnh mà mọi người có thể học và tự chữa bệnh cho mình được.
    Xin cảm ơn Thầy. Chúc Thầy sức khỏe, sống lâu trên 100 tuổi để tiếp tục giúp được cho nhiều, nhiều người hơn nữa.
    Kính thầy – Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Phạm Bá Thủy
(Tạp chí Thế giới mới số 1004 ngày 1/10/2012)
Liên kết: denchan.vn