In bài này

Tư liệu -17- Hưỡng dẫn kiêng cử

 Lương y Tạ Minh.

             Kiêng cữ thực ra chỉ là tránh né những nguyên nhân gây bệnh do bên ngoài đưa tới như thức ăn uống, khí hậu thời tiết, sinh hoạt hằng ngày. Mỗi một ngày khi thức giấc, cơ thể chúng ta bắt đầu đón nhận những yếu tố mới tác động vào như nắng - mưa - gió - bão - bụi bặm - mùi hôi - khí thải……v.v.. Khi bắt đầu ăn sáng là ta đưa một số chất mới vào. Chua có, cay có, đắng - mặn - ngọt có; cái nào hạp cái nào không hạp với ta?
            Điều trị bệnh mà không kiêng cữ thì hiệu quả điều trị rất kém, nếu không muốn nói là sẽ không có kết quả. Chúng ta thấy hiện nay xu hướng của Tây y cũng đã bắt đầu chú ý đến việc khuyên bệnh nhân kiêng cữ trong khi trị bệnh. Trước đây vài mươi năm, hễ hỏi đến kiêng cữ là y như rằng bệnh nhân sẽ bị bác sĩ cự nự cho một hồi. Nào là phải ăn cho đủ dinh dưỡng, nào là đã bệnh mà còn cữ ăn thì làm sao khỏe mà trị bệnh được…vv..!!! Quả thật thì Đông y bắt bệnh nhân cữ ăn hơi nhiều. Có nơi thấy bảng dặn dò kiêng cữ ăn uống của bệnh nhân có đến vài chục món. Có lẽ việc này xảy ra là do bệnh nhân uống thuốc Đông y, luôn có sự tương tác qua lại giữa thuốc và thức ăn. Vì thực chất thuốc Đông y đều có nguồn gốc thực vật hay động vật, là một dạng thức ăn hơi đặc biệt vậy thôi.
            Nếu chỉ dùng huyệt để trị bệnh thì chúng ta không sợ những tương tác như đã nói mà chỉ cần kiêng cữ những tác nhân gây bệnh mà thôi. Đó là một trong những ưu điểm của phương pháp trị bệnh không dùng thuốc. Vừa an toàn vừa đơn giản.
            Trong quá trình hành nghề và nghiên cứu chọn lọc tôi nhận thấy chỉ cần kiêng cữ theo các nguyên tắc:
1)                  Điều kiện môi trường không thích hợp: nóng - lạnh, ẩm - khô, trong sạch hay bụi bặm.
2)                  Điều kiện làm việc: thay đổi công việc hay ít ra cũng cải thiện thói quen trong làm việc đối với các bệnh do nghề nghiệp gây ra.
3)                  Thức ăn, uống: nếu kiêng cữ như Đông y lâu nay tuân theo ta sẽ có một danh sách rất dài, thậm chí hầu như không còn gì để ăn ngoài mễ cốc (gạo, lúa mì…)!! Bệnh nhân sẽ dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng. Do đó tôi chỉ chú trọng vào những món trực tiếp gây bệnh một cách mạnh mẽ cho cơ thể mà thôi. Gồm các nhóm chính.
·                     Nhóm gây lạnh cho cơ thể trong những bệnh do lạnh: thức ăn uống ướp lạnh, các món có vị đắng mạnh như khổ qua, rau má, tim sen, rau ngổ, rau đắng…… Các món quá mát như cam, dừa, thanh long, rau đay, bồ ngót……
·                     Nhóm gây nóng ráo cho cơ thể: các món ăn chiên, các thức có vị cay nồng như tiêu, ớt, tỏi, gừng…… Các món cung cấp năng lượng nhiều như chocolate, cacao, các loại kẹo bánh có dùng đường……
·                     Nhóm gây co cân - cơ: các chất có vị chua đậm như chanh, cam, thơm (dứa)…… các chất làm lạnh cơ thể.
·                     Nhóm gây trì trệ: hầu hết các món có chất nhờn đều gây trì trệ ứ đọng cho cơ thể như đậu bắp, rau đay, mồng tơi, khoai mỡ…… và các chất làm hạ nhiệt.
·                     Nhóm gây viêm: hiện nay tôi chỉ phát hiện ra hai món gây viêm rất mạnh (trên cơ thể vốn bị viêm): thịt gà và các loại mắm như mắm tôm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm thái… (nước mắm thì vô hại, có lẽ vì độ mặn cao và quá trình lên men đã hoàn chỉnh nên không có độc - hay ít độc??).
·                     Nhóm có chất hóa học phát sinh: tất cả các món trải qua quá trình lên men sinh học (khác với lên men công nghiệp như xì dầu, magie): như chao, tương, bánh mì, rượu, bia…… LƯU Ý: các loại này đôi khi đã nấu chín vẫn không phân hóa được các hóa chất trong nó nên vẫn gây bệnh cho cơ thể khi dùng.
Nói chung khi bệnh có liên quan tới gan (Can) và tụy (Tỳ) thì cần kiêng cữ khá nhiều, nghiêng về hướng chất gây viêm và chất có hóa chất lạ, vì gan và tụy là bộ máy chính trong xử lý hóa chất của cơ thể (Can chủ sơ tiết, mưu lự – Tỳ chủ hóa), dĩ nhiên ở tế bào cũng có những quy trình xử lý hóa chất nhỏ riêng. Với Gan ta còn cần kiêng cữ thêm thịt bò, cá biển độc như cá ngừ, cá chuồn, cá nhám, cá nục… còn các loại cá hiền thì dùng được như cá chim, cá thu, cá bạc má… Với Tụy ta còn cần kiêng cữ thêm các chất gây lạnh.
            Còn các loại bệnh chứng liên quan ta cứ theo bảng hướng dẫn nêu trên mà khuyên bệnh nhân kiêng cữ.
            Theo triệu chứng ta có:
·                     Chứng đau nhức: cữ nhóm gây lạnh, gây co cân cơ.
·                     Chứng viêm (sưng + nóng + đỏ + đau), chấn thương: cữ nhóm gây viêm và nhóm gây co cân cơ, nhóm gây lạnh (nếu bệnh thuộc hàn), nếu là bệnh thuộc nhiệt thì ngược lại cần cữ nhóm gây nóng.
·                     Chứng ứ trệ, sưng nề (không nóng đỏ): cữ nhóm gây trì trệ, nhóm gây co cân cơ, nhóm gây lạnh (vì lạnh cũng là một nguyên nhân gây trì trệ cho cơ thể).
·                     Chứng có nhiễm trùng hay viêm do nhiệt: viêm do nhiễm trùng hay do nhiệt đều gây ra triệu chứng đau nhức. Thật ra trong Đông y thì phân chia khá rõ: đau thì do nhiệt, nhức là do hàn, nhưng hầu hết bệnh nhân không thể phân biệt được hai triệu chứng này mà họ thường gộp chung hoặc nói lẫn lộn. Loại này cần cữ các món gây nóng ráo, nhóm gây viêm.
·                     Các chứng có tính dị ứng, các loại bệnh ngoài da: nhóm có hóa chất phát sinh.
Như vậy ta có một đường lối kiêng cữ khá linh động vì theo gốc bệnh chứ không theo tên bệnh. Đo đó dễ nhớ để dặn dò bệnh nhân.
TP. Hồ Chí Minh, 12 – 6 – 2002.