In bài này

Y học cổ truyền trong xử lý cấp cứu và điều trị đột quỵ

 Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay ở khắp nơi trên thế giới. Theo số liệu gần đây, mỗi năm mước ta có khoảng 200.000 người bị đột quỵ và hơn 100.000 người tử vong. Trong khi “thời gian vàng” là yếu tố quan trọng trong chữa trị đột quỵ và việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tPA vẫn còn khá hiếm hoi thì vẫn có những trường hợp người bệnh đã vượt qua được cơn đột quỵ nguy hiểm bằng biện pháp dân gian chích lể.

Chích lể cấp cứu
Cấp cứu bệnh nhân tai biến

“Thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ

Với trình độ phát triển của y học hiện nay, các chuyên gia tim mạch cho biết những trường hợp đột quỵ có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được đưa đến cơ sở y tế trong vòng 3 giờ đầu tiên. Khoảng thời gian này ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá thường được gọi là “thời gian vàng”.

Sau thời gian này, đột quỵ dễ gây ra những tổn thương não không thể phục hồi, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế suốt đời.

Gần đây, một vài bệnh viện lớn tại Việt Nam đã ứng dụng thành công kỹ thuật “bơm thuốc qua đường động mạch”, thuốc tiêu sợi huyết được bơm trực tiếp trực tiếp đến cục huyết khối qua một ống dẫn từ động mạch đùi. Phương pháp mới này được dùng trong một số trường hợp chống chỉ định với điều trị tiêu sợi huyết đường truyền tĩnh mạch, lượng thuốc dùng sẽ được tiết kiệm hơn, đặc biệt có thể kéo dài “thời gian vàng” đến 6 giờ thay vì 3 giờ.

3 dấu hiệu nhận dạng đột quỵ bằng phương pháp STR:

Smile: Hãy thử mỉm cười. Người đó không thể mỉm cười được.

Talk: Yêu cầu người đó nói một câu đơn giản, ví dụ: “Hôm nay trời đẹp”. Người đó không thể nói hoặc nói ngọng, nói không tròn tiếng.

Raise: Hãy yêu cầu người đó nâng hai cánh tay hoặc hai bàn tay lên. Người đó không thể nâng hai cánh tay, yếu hoặc liệt hẳn một bên.


Tại TP. HCM, có thể đưa bệnh nhân đến ngay Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Cấp cứu Trưng Vương, BV 175, BV An Bình… Việc đưa bệnh nhân đến các phòng khám hoặc các bệnh viện đa khoa thông thường chỉ làm chậm trễ, vuột mất “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ.

Ngoài ra xử lý sơ cứu theo Y học cổ truyền bằng cách chích lể và nặn máu ra từ 10 đầu ngón tay của bệnh nhân có cần thiết hay không vẫn còn đang là vấn đề tranh cãi. Thật ra, những thao tác cấp thời, đơn giản và rất kinh tế này chỉ tốn không quá 5 phút, thậm chí có thể thực hành  trong khi người bệnh đã được đưa lên xe cấp cứu. Dù không chữa khỏi tất cả mọi trường hợp, với tác dụng giải phong, hóa ứ, kích hoạt lưu thông khí huyết, cách cấp cứu này cũng có thể giảm bớt nguy cơ trong khi bệnh nhân chờ đợi để được chẩn đoán chuyên sâu.

Chích lể cấp cứu đột quỵ

Chích lể là một liệu pháp đã được sử dụng tại nhiều nước Châu Á từ hàng ngàn năm về trước để chữa nhiều loại bệnh, nhất là các chứng có ứ huyết như đột quỵ. Những đầu ngón tay là vị trí của Thập tuyên huyệt, nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh rất nhạy cảm. Theo thuyết phản xạ thần kinh cũng như thuyết toàn đồ, đầu ngón tay tương ứng với phần đầu của cơ thể và đỉnh nhọn của ngón tay tương ứng với huyệt Bách hội ở đỉnh đầu. Ngoài ra động tác chích lể lại có tính “tả” và kích thích rất mạnh. Do đó, động tác chích lể các đầu ngón tay là biện pháp đặc hiệu để kích thích tinh thần và khu phong hóa ứ ở khu vực đầu cũng như não bộ. Động tác này vừa có thể ngăn chặn hoặc phục hồi não từ tình trạng hôn mê, lại vừa có thể loại bỏ tức thời yếu tố “phong”, nguyên nhân trực tiếp gây ra tai biến. Mặt khác, tác động vào các đầu ngón tay cũng là gián tiếp tác động vào huyệt Bách hội nên có ý nghĩa kích hoạt sự thăng giáng của các đường kinh dẫn đến thông kinh hoạt lạc, tiêu trệ hóa ứ, giúp giải quyết việc ứ huyết và điều hòa kinh khí toàn thân.

Thực hành:

Tìm ngay một cây kim khâu, hơ đầu kim trên lửa để sát trùng. Lần lượt chích lể 10 đầu ngón tay của người bệnh. Dùng bàn tay trái giữ lấy lóng cuối chỗ gần đầu ngón tay của người bệnh, dùng 3 ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải cầm kim chích nhanh vào chỗ cao nhất của đầu ngón tay người bệnh. Rút kim ra và nặn nhẹ từ chỗ đã chích ra một hay hai giọt máu. Lần lượt chích và nặn máu cả 10 đầu ngón tay.Đặt bệnh nhân nằm xuống nhẹ nhàng ở tư thế đầu nằm nghiêng, đầu hơi nâng nhẹ. Lau đờm, dãi và tháo bỏ các vật trong miệng như: thức ăn, răng giả… để làm thông thoáng đường thở. Tránh tối đa việc xê dịch người bệnh để không làm trầm trọng thêm tình trạng xuất huyết.

Nếu miệng hoặc mắt người bệnh lệch sang một bên, hãy chích lể thêm hai huyệt Nhĩ tiêm ở chỗ cao nhất của vành tai. Dùng bàn tay trái bóp nhẹ vào phần trên của vành tai của người bệnh và chích vào chỗ cao nhất của vành tai. Nặn ra một vài giọt máu. Một số người đã chích lễ dái tai thay cho huyệt Nhĩ tiêm với cùng công dụng.

Đến đây, chúng ta có thể an tâm chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm soát và chăm sóc các bước tiếp theo. Vấn đề còn lại là tuân thủ chế độ sinh hoạt, ăn uống và luyện tập hợp lý để tăng cường sức đề kháng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tái đột quỵ như cao huyết áp, cholesterol trong máu cao, béo phì, tiểu đường, stress…

Lương y Võ Hà

(Theo Kiến thức ngày nay)