Diện Chẩn Hải Phòng
Nguyễn Thị Quốc Khánh_Câu lạc bộ Diện Chẩn Hải Phòng
Báo cáo 30 năm thành lập Diện chẩn Điều khiển liệu pháp Bùi Quốc Châu
DIỆN CHẨN BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI TÔI.
Cha mẹ tôi cùng tham gia kháng chiến chống Pháp và sinh hạ tôi tại Thái Nguyên đúng vào ngày hoà bình 02 tháng 09 năm 1954. Tôi lớn lên tại thành phố Hoa phượng đỏ. Tốt nghiệp phổ thông, tôi theo ngành sư phạm. Mười tám năm trong ngành sư phạm thì mười bốn năm là giáo viên giảng dạy, bốn năm làm cán bộ quản lý. Những tưởng cuộc sống vươn tới đó là toại nguyện, là bình ổn. Ngờ dâu, dịp hè 1989, chuyến đi chơi Sài Gòn lại là một bước ngoặt cho cuộc đời tôi.
Tôi đã bước vào ngưỡng cửa của ngôi nhà diện chẩn – 19B Phạm Ngọc Thạch, và khoá học tôi tham dự là khoá K11. Lúc này tôi rất yếu, da xanh nhợt, hay chóng mặt và ù tai, kèm theo là chứng bạch đới. Thời kỳ này tại trung tâm chỉ dạy các ngày chủ nhật, nên các ngày trong tuần sáng nào tôi cũng đến trung tâm để xem các thầy chữa bệnh, và xin các thầy chữa bệnh cho tôi. Các chứng bệnh trong tôi có chuyển biến rõ rệt. Một sức mạnh đã cho tôi niềm đam mê học, rồi thực hành, và kiểm chứng chính mình. Thực tế kết quả đã cho tôi một niềm tin mãnh liệt. Tôi dồn hết thời gian vào học và thực hành tại trung tâm. Cuối kỳ thầy dạy tôi thở âm dương khí công.
Hết kỳ nghỉ hè trở về Hải Phòng với một tâm trạng háo hức, hồ hởi, tôi đã tìm đến bạn bè và bệnh nhân đầu tiên mà tôi điều trị và cũng là bệnh đạt nhiều thành công nhất đó là các bệnh thuộc hệ phần phụ của nam và nữ. Hầu hết mọi người đã dùng thuốc tây điều trị dài ngày nhưng không ổn định. Cụ thể là bệnh huyết trắng, viêm phần phụ, nấm, sa tinh hoàn, viêm tinh hoàn, đau đầu, đau cổ gáy vai, đau thần kinh toạ. Giật mình nhìn lại, tự hỏi mình đang là nhà giáo hay là thầy lang đây? Không còn thời gian để đọc sách hay nghiên cứu các phác đồ điều trị, tôi đã bàn bạc cùng chồng và đi đến quyết định xin nghỉ việc về chế độ một lần, mười tám năm là mười tám tháng lương, lấy tiền đầu tư vào Sài Gòn học tiếp. Vậy là tôi từ giã môi trường giáo dục, quyết tâm theo Diện chẩn.
Mỗi năm tôi vào Sài Gòn hai đến ba tháng. Thời kỳ này trung tâm rất đông bệnh nhân, các thầy phải chia làm nhiều ca chữa bệnh. Tôi được thầy Châu cho phép tham gia vào ngồi một bàn chữa bệnh tại trung tâm. Vừa học, vừa làm, có các thầy kèm cặp, hướng dẫn cho các ca khó, tôi trưỏng thành lên rất nhiều trong chuyên môn. Năm 1991, tôi được theo thầy Châu đi phụ giảng một lớp cho đội ngũ các bác sĩ thuộc Tổng Công ty Rau quả Việt Nam tại Hà Nội. Không dễ gì thuyết phục khi họ đều là các bác sĩ trưởng phó khoa trong bệnh viện được cử đến học Diện chẩn. Họ đều là những người được nhà nước đào tạo bài bản với một lượng kiến thức rất lớn. Chính thực tế đã giúp cho các bác sĩ thay đổi suy nghĩ về Diện chẩn sau nhiều ca bệnh được điều trị thành công tại giờ thực hành. Trở về bệnh viện các bác sĩ đã triển khai rất tốt phương pháp Diện chẩn cho các bệnh nhân của mình, và đã gửi báo cáo về trung tâm, trong đó có báo cáo của bác sĩ Ngô Đức Lợi, nguyên Giám đốc bệnh viện Phủ Quỳ 4, tỉnh Nghệ An, đã chữa thành công rất cao với nhiều ca bệnh khó trong đó có một ca áp xe tử cung, đã được điều trị một tháng bằng Tây y và chuẩn bị phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Bác sĩ Lợi thấy bệnh nhân còn trẻ, mới ở tuổi 22, đã nhận chữa ca này bằng phương pháp Diện chẩn. Sau 8 ngày bệnh nhân được cải thiện về sức khoẻ và ổn định dần. Sau bốn năm chị đã sinh tiếp một cháu trai.
Lớp Diện chẩn đầu tiên tại Hải Phòng
Tháng 2 năm 1992, lớp Diện chẩn đầu tiên được mở tại Hải Phòng, do Đại Đức Thích Quảng Tùng tổ chức cho các Tăng Ni Phật tử học tại thành hội Phật giáo với bốn mươi học viên. Kết thúc lớp học, tôi thành lập câu lạc bộ Diện chẩn để hàng tháng mọi người đến trao đổi chuyên môn, giúp nhau bổ sung kiến thức Diện chẩn để chữa bệnh được tốt. Đây cũng là Câu lạc bộ đầu tiên của toàn quốc ra đời vào ngày 14 tháng 2 năm 1992. Cho đến nay vẫn duy trì và hoạt động tốt.
Đến tháng 6 năm 1992, thầy Châu cử tôi sang chữa bệnh tại Liên bang Nga. Rất tự tin, mạnh dạn, với một lượng kiến thức được trang bị, cùng kinh nghiệm thực hành trong bốn năm học và làm Diện chẩn, tôi mang theo. Chín tháng làm việc tại Liên bang Nga, tôi lớn lên rất nhiều về mặt chuyên môn. Tôi gặp những ca bệnh nặng, khó mà ở Việt Nam tôi chưa có cơ hội được điều trị, như một số bệnh thuộc hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ xương khớp, có rất nhiều bệnh nhân thoái hoá, biến dạng các khớp xương. Mãi đến sau này tôi mới biết đó chính là Bệnh gout.
Điều tự hào nhất trong tôi khi làm việc tại nước bạn là hiệu quả trong điều trị. Nhất là khi tôi chuyển sang làm việc tại Viện nghiên cứu các phương pháp Y học phương đông, với một bệnh viện lớn, đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ giáo sư, bác sĩ đông, nhưng họ vẫn phải ngạc nhiên mỗi khi một bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp Diện chẩn dậy khỏi giường, đều cho hiệu quả rõ rệt. Có những bệnh nhân đã từng được điều trị tại bệnh viện một tháng với đủ mọi phương pháp như châm cứu, vật lý trị liệu, thuốc, vẫn chưa cho hiệu quả với chứng bệnh cứng cột sống, phải quay cả người mỗi khi muốn nhìn sang một hướng khác. Vậy mà chỉ sau hai mươi phút điều trị bằng Diện chẩn, với sự giám sát của các bác sĩ, giáo sư đứng xung quanh, dõi theo tôi thao tác từng bước một, bệnh nhân đã ngồi dậy, tự cúi được người, gập được cổ, nhìn sang bên mà không phải quay toàn thân như trước. Nhiều, nhiều bệnh nhân như thế trong chín tháng làm việc tại nước bạn. Tôi vô cùng hạnh phúc trước những thành công như thế. Đã biết bao lần tôi trào nước mắt vì sự kỳ diệu của Diện chẩn, và Thầy, người đã làm nên niềm hạnh phúc lớn lao cho con người. Cho đến tận bây giờ, hai mươi mốt năm làm Diện chẩn, cứ mỗi một thành công là tôi lại thầm cảm ơn thầy.
Với chủ trương chỉ đạo của thầyBùi Quốc Châu là biến bệnh nhân thành thầy thuốc, biến người bệnh trở thành người tự chữa bệnh cho mình, bởi phương pháp Diện chẩn quá đơn giản, dễ học, dễ làm, an toàn, không gây phản ứng phụ. Nhờ có quan điểm này mà giải phóng thời gian cho tôi rất nhiều, không còn phải ngồi làm cho bệnh nhân từng động tác, kỹ thuật, mà tôi chỉ tập trung vào phác đồ chuyên môn, rút ngắn được thời gian điều trị. Bệnh nhân cũng rất thích thú khi thấy mình bỗng dưng biến thành thầy thuốc. Họ tò mò muốn được biết nhiều hơn về phương pháp nên đã đến xin theo học. Tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh của mọi người, hiểu được mọi người cần gì, muốn gì khi bước chân vào ngưỡng cửa Diện chẩn cũng như tôi hai mươi mốt năm trước đây mà thôi, đơn giản là học để biết chăm sóc sức khoẻ cho mình và gia đình. Cứ thế, bạn bè rồi bệnh nhân giới thiệu cho nhau và các lớp Diện chẩn tại Hải Phòng được ra đời.
Sẵn có nền tảng sư phạm trong mình, tôi đã thâu tóm, sắp xếp kiến thức Diện chẩn, và kinh nghiệm thực tế vào soạn giáo án cho lớp người đi sau. Suốt thập kỷ 90 cho đến nay, tôi đã truyền dạy cho hàng ngàn người biết chữa bệnh bằng phương pháp Diện chẩn tại nhà riêng và nhiều tỉnh, thành phố khác như Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Huế, Sài Gòn, An Giang, Cần Thơ, Châu Đốc, xa nữa là Liên bang Nga. Cho đến nay các bạn bên Nga vẫn liên lạc, xin được tư vấn cho hướng điều trị các bệnh khó. Ngoài ra tôi còn đi nói chuyện giới thiệu về Diện chẩn tại các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, các câu lạc bộ trong thành phố như Liên hiệp Công đoàn Thành phố, Cục Thống kê Thành phố, CLB Bạch Đằng của các cán bộ trung cao cấp Thành phố, CLB Trung Dũng của các sĩ quan quân đội đã về hưu, CLB các Giám đốc thuộc Sở Công nghiệp Thành phố, Uỷ ban nhân dân phường Cầu Đất, phường Dư Hàng Kênh, Hội Đông y, một số trường học và khu dân cư…Sau buổi nói chuyện là hướng dẫn cách tự phòng và chữa bệnh thông thường theo cuốn sổ tay của Diện chẩn. Một điều không thể không nhắc đến, đó là làng trẻ em SOS Hải Phòng, nơi nuôi dưỡng các cháu mồ côi và trẻ bị bỏ rơi. Tôi đã chủ động đến đặt vấn đề với Ban lãnh đạo xin được tự nguyện giúp đỡ bằng cách hướng dẫn cho các mẹ, các cháu từ 10 tuổi đến 16 tuổi trong làng, học phương pháp Diện chẩn để tự chăm sóc sức khoẻ. Cho đến nay mọi người đã tự giải quyết được các bệnh thông thường, không cần dùng thuốc, giảm được một lượng kinh phí đáng kể cho làng.
Nhìn lại đội ngũ học viên, sau khi được trang bị kiến thức Diện chẩn, nhiều người đã thành đạt và tạo được uy tín tại nơi cư trú, làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại khu dân cư, được nhiều gia đình bệnh nhân mời đi chữa bệnh, điển hình như bác học viên Nguyễn Văn Phụng 80 tuổi ở huyện An Lão, học viên Nguyễn Thị Dinh ở huyện Tiên Lãng, học viên Vũ Văn Điển ở huyện Kiến Thuỵ, học viên Bùi Quang Tam ở quận Ngô Quyền, chị Phan Thị Ngọc Yến ở quận Ngô Quyền…Với đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, trình độ khác nhau, tất cả đều tiếp thu và làm được diện chẩn với sự linh động, sáng tạo của mỗi người. Họ đều làm chủ được việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Với một số học viên, diện chẩn đã trở thành một nghề.
Học diện chẩn để tự chữa trị cho mình các bệnh thông thường thì quá dễ, chỉ cần đồ hình và sinh huyệt. Còn muốn trở thành một thầy thuốc giỏi cần mất nhiều thời gian để làm để hiểu, để đúc kết kinh nghiệm. Điều quan trọng trong điều trị là chẩn đoán và tìm gốc bệnh,muốn vậy thì phải hiểu rõ chức năng sinh bệnh lý của từng bộ phận trong cơ thể bởi khi đi sâu vào nghiên cứu phương pháp diện chẩn ta mới thấy diện chẩn là một môn khoa học liên ngành mang tính tổng hợp rất cao vận dụng nhiều lĩnh vực trong đó có văn hoá, triết học, xã hội học, Đông y, Tây y…Một môn y học thật cao siêu về lý thuyết mà rất đơn giản khi thực hành. Đúng như thầy Châu đã từng căn dặn các môn sinh của mình cần phải học thêm Đông y, châm cứu, Tây y, thuốc Nam, thuốc Bắc, triết học Đông Phương (Kinh dịch, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo), Giải phẫu học, Trường sinh học, Cảm xạ học, Tâm linh học, Âm dương khí công, ẩm thực dưỡng sinh, Thể dục tự ý, Thai giáo Việt Nam, Huyền công…để có kiến thức và thực hiện đúng với phạm vi điều trị của phương pháp là điều chỉnh các rối loạn chức năng thần kinh còn các bệnh thuộc nan y, mãn tính, những người tuổi cao sức yếu, bệnh nặng…đều phải có thêm sự hỗ trợ của thuốc nam, thuốc bắc nhằm trợ giúp thêm trong điều trị. Chính vì lẽ đó mà sau khi làm việc tại Liên bang Nga về, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian cho nghiên cứu các bộ môn khác, và xin tham gia vào hội Đông y để có cơ hội học hỏi. Năm 1994 bắt đầu theo học Đông y, Châm cứu từ chương trình cơ sở đến chương trình nâng cao, sau này tham gia thêm lớp điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng phương pháp châm cứu của Giáo sư Nguyễn Tài Thu, để có điều kiện kết hợp với Diện chẩn và so sánh giữa hai phương pháp. Năm 2008 học thêm lớp bồi dưỡng chuyên sâu về Đông dược của trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng. Tất cả các chương trình học đều được cấp giấy chứng nhận chuyên môn. Về mặt pháp lý tôi cũng đã hoàn tất được chứng chỉ hành nghề y dược do Sở Y tế cấp. Trăn trở mãi rồi tôi cũng đặt được cho nhà thuốc của mình với tên gọi Diện Khánh Đường (Tiếng Hán chữ Đường là Nhà) tức Nhà Khánh làm Diện Chẩn.
Từ năm 1993 đến nay, tôi luôn là thành viên trong Ban chấp hành (BCH) của Quận hội, tôi vẫn đảm trách các chức danh.
- Chủ tịch CLB Diện chẩn TP Hải Phòng.
- Uỷ viên BCH Quận hội Đông y Lê Chân, Hải Phòng.
- Uỷ viên BCH Hội hành nghề Y Dược tư nhân quận Lê Chân.
- Chi hội phó chi hội Đông y Dư Hàng Kênh.
Được tặng nhiều giấy khen của Thành hội, Quận hội và Hội hành nghề Y Dược tư nhân thành phố.
Tôi luôn thầm cảm ơn thầy đã dốc lòng, dốc tâm vì sự nghiệp Diện chẩn, sáng suốt khuyên răn các môn sinh của mình trang bị nhiều kiến thức, trong đó có tôi đã thực hiện, để
đến giờ phút này, dẫu tôi chưa học được hết những gì thầy nói, nhưng tôi cũng đã bổ sung được rất nhiều kiến thức vào điều trị cho bệnh nhân. Tuy học Đông y, châm cứu nhưng thực tế điều trị tôi thường lấy lý luận của đông y đưa vào chẩn đoán, còn điều trị hoàn toàn bằng huyệt Diện chẩn. Riêng những bệnh nằm ngoài phạm vi điều trị của Diện chẩn, tôi mới hỗ trợ thêm thuốc Đông y hoặc châm cứu.
Trải qua 21 năm liên tục học và chữa bệnh bằng phương pháp Diện Chẩnn, cũng tạm đủ cho tôi tích góp được một lượng kiến thức, kinh nghiệm trong điều trị. Nhân dịp 30 năm thành lập Diện chẩn, tôi mạo muội xin phép Thầy cho tôi được ghi chép lại theo từng nội dung, hệ thống riêng để tiện cho việc giảng dạy và điều trị. Với mỗi đầu sách là một hệ phản chiếu cơ bản của phương pháp Diện chẩn, bao gồm nội dung : Phân tích hệ phản chiếu, phân tích chức năng sinh bệnh lý, triệu chứng bệnh và hướng điều trị. Trong năm 2010 sẽ ra mắt cuốn phân tích hệ phản chiếu gan mật, chức năng sinh bệnh lý, triệu chứng bệnh và hướng điều trị bằng Diện chẩn các bệnh liên quan đến gan, mật. Rất mong sự ủng hộ, đóng góp của Thầy và các bạn đồng nghiệp.
Bằng sự nỗ lực của bản thân, nhìn lại cả chặng đường đã qua, tôi tự hào thấy mình đã làm được một số việc có ích, đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, giúp cho hàng ngàn bệnh nhân và học viên biết cách tự phòng và chữa bệnh thông thường bằng phương pháp không dùng thuốc, đúng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Với quan điểm của Diện chẩn đang dần thực hiện một mô hình y tế gia đình của thế kỷ 21, nhà nhà, người người biết tự phòng và chăm sóc sức khoẻ bằng 3 biện pháp : Ẩm thực dưỡng sinh, Âm dương Khí công và Diện chẩn.
Nhân dịp kỷ niệm 30 Diện chẩn - Điều khiển liệu pháp Bùi Quốc Châu, với lòng kính trọng và tri âm người anh, người Thầy, người đã có công nghiên cứu nghiêm túc đầy sáng tạo một phương pháp đem lại lợi ích lớn lao cho con người. đặc biệt là những người nghèo và biết bao nhiêu người đã và đang được thừa hưởng một tài sản vô giá ấy.
Chúc Thầy và gia đình vạn sự tốt lành nhiều sức khoẻ và bình an.
Chúc gia đình Diện chẩn Việt nam ngày một vững mạnh và vang vọng khắp năm châu.
Chúc toàn thể anh chị em bạn hữu đồng môn vui, khoẻ và thành đạt trong sự nghiệp Diện chẩn.
Hải Phòng, ngày 15 tháng 03 năm 2010Học viên Diện chẩn khoá 11 năm 1989Nguyễn Thị Quốc KhánhLưu ý : Toàn bộ các báo cáo kinh nghiệm có phác đồ điều trị chi tiết bằng Diện chẩn sẽ được in riêng trong một cuốn sách khác.Xin liên hệ : Nguyễn Thị Quốc Khánh – 0918 514 263