In bài này

35 năm Diện Chẩn - Điều khiển Liệu pháp

Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp đã được công nhận trên 35 quốc gia khắp thế giới với sự trân trọng hiếm có nếu so với các phương pháp trị liệu khác đã có trên thế giới (theo sách ABC Du DienChan xuất bản tại Pháp năm 2009).

35 năm diện chẩn điều khiển liệu pháp

KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY SÁNG LẬP DIỆN CHẨN – ĐIỀU KHIỂN LIỆU PHÁP

Thời gian là phép thử cho các công trình, từ các công trình xây dựng cho đến những phương pháp giáo dục và y học. Chỉ những công trình hay phương pháp nào hiệu quả mới có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững.

 NHÌN VỀ LỊCH SỬ

Từ xưa đến nay trên đất nước Việt Nam đã hình thành ba dòng chảy về Y học, đó là nền Y học cổ truyền (Đông Y) xuất phát từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam từ những năm 111 trước Công Nguyên. Đó là nền Y học Tây Phương (Tây y) theo chân những nhà truyền giáo và cai trị du nhập vào Đất Việt từ những năm trong thế kỷ XVI, và nhất là một nền Y học dân tộc (Nam Y) đã có từ thời lập quốc của triều đại Hùng Vương (2900 năm trước CN). Mặc dù đây là giai đoạn huyền sử, nhưng cũng đã để lại những dấu ấn về việc bảo vệ sức khỏe cho người dân qua tục ăn trầu cho ấm cơ thể và nhuộm răng để bảo vệ răng. 

Đi đôi với sự hoạt động và phát triển của 3 dòng Y học kể trên là sự xuất hiện của những bậc danh y. Đặc biệt là với nền Y học dân tộc (Nam Y hay Nam dược) đã được phát triển mạnh mẽ vào triều đại nhà Trần (1225 – 1399) với sự quan tâm đến sức khỏe của người dân qua việc phát thuốc cho dân những vùng dịch bệnh và tổ chức cho quân đội thu hái lá thuốc. Từ đó đã xuất hiện các lương y như: Danh Y Nguyễn Bá Tĩnh (Tuệ Tĩnh) với các tác phẩmNam Dược Thần Hiệu, Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư. Danh y Chu Văn An với tác phẩm Y Học Giản Yếu – Tập chú Di Biên.

Ngoài ra còn có các danh y khác như Nguyễn Đại Năng với tác phẩm Châm Cứu Tiệp Hiệu Diễn Ca trong thời nhà Hồ (1400 – 1406) Danh Y Nguyễn Trực với tác phẩm Bảo Anh Lương Phương, Danh y Lê Hữu Trác với tác phẩm Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh 28 tập 66 quyễn, Danh y Hoàng Đôn Hòa với tác phẩm Hoạt Nhân Toát Yếu bàn về tổ chức y tế quân đội trong thời nhà Hậu Lê ( 1428 – 1788). Và cứ như thế, theo dòng chẩy của Lịch sử, thì hầu như trong giai đoạn nào của đất nước cũng có những danh y với những tác phẩm về Y học làm cơ sở cho việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cho đến nay, cùng với những tiến bộ như vũ bão của nền Y học Tây phương và những phương pháp chẩn trị khá toàn diện của nền Đông Y và Y học dân tộc, tưởng chừng như sẽ không có được một phương pháp nào có thể xuất hiện và lần hồi phát triển để không chỉ góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị cho người dân Việt Nam mà còn có những hoạt động xiển dương nền học thuật của Việt Nam ra nước ngoài.

Thế nhưng, vào những năm 1980 của thế kỷ XX, đã xuất hiện một phương pháp Y học bổ sung đặc thù của Việt Nam và nhanh chóng phát triển như một trường phái Y học cùng với những phương pháp điều trị cổ truyền của Đông Y, cũng như với những biện pháp điều trị lâm sàng và phẫu thuật của Tây Y nhưng với những nét độc đáo mà cả 3 dòng chảy Y học kể trên đều không có.

Đó là việc không dùng thuốc như một cơ sở điều trị chủ yếu, cũng không dùng các dụng cụ châm cứu của Đông Y, không dùng các dụng cụ phẫu thuật của Tây Y, nhưng sử dụng các dụng cụ đặc chế với những kỹ thuật tác động vừa đặc thù, vừa đơn giản có tác dụng với hầu hết các bệnh từ thông thường cho đến các chứng nan y. Không những thế, phương pháp này còn có những đặc điểm mà hầu như ít có phương pháp Y học nào của Việt Nam và thế giới làm được, đó là vừa có được một hệ thống cơ sở lý luận vững chắc về các vùng huyệt đạo (như Đông Y), về các cấu trúc sinh lý thần kinh, hệ bạch huyết và các phác đồ trị liệu (Như Tây Y) lại vừa có được những công cụ độc đáo ( trên 140 món) cũng như những thủ pháp mà bất cứ ai cũng có thể học hỏi, am hiểu và vận dụng một cách dễ dàng, nhanh chóng và đơn giản.

DẤU ẤN THỜI GIAN

Người sáng lập ra một trường phái Y học mới đó là GS. TSKH Bùi Quốc Châu, ông sinh ngày 03/4/1942 (Giờ Mùi) tại Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, con ông Bùi Văn Hườn (mất năm 1992) và bà Đỗ Thị Sáu (mất năm 1949).

Ban đầu, từ năm 1964 Thầy Châu đã đi vào con đường Y học với khoa Đông Y Châm Cứu qua danh y Lê văn Kế, lương y Khương Duy Đạm và lương y Trần Đắc Thưởng. Năm 1975 Thầy có học thêm với Bs Trương Thìn về châm cứu và đến năm 1976 Thầy bắt đầu chữa bệnh bằng châm cứu, thuốc Nam và dạy Âm Dương Khí công tại Lực lượng Thanh Niên Xung Phong thành phố HCM. Từ năm 1977 cho đến năm 1983, Thầy làm việc ở Trường Cai nghiện Ma túy Bình Triệu – Thủ Đức.

Đứng trước những khó khăn về thuốc men và dụng cụ y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho những người nghiện ma túy, là những người vừa không có khả năng về kinh tế, vừa có một cơ địa yếu ớt, rất dễ bị tổn thương, cho nên hiệu quả của các liệu pháp y tế vô cùng hạn chế. Điều đó đã khiến cho Thầy phải suy nghĩ và từng bước hình thành một phương pháp chữa bệnh giảm thiểu đến mức thấp nhất việc dùng thuốc và sử dụng các công cụ y tế rất đơn giản với chi phí thấp nhất.

Vào ngày 26/3/1980, Thầy Châu tìm ra huyệt số 1 trên sống mũi bệnh nhân Trần Văn Sáu, lúc bấy giờ đang cai nghiện tại Trường Cai nghiện Ma túy Bình Triệu – Thủ Đức. Để rồi chỉ một năm sau vào ngày 17/01/1981 Thầy đã bắt đầu dạy Diện Châm, lớp đầu tiên tại trường tiểu học Thống Nhất do Nhà Văn Hóa Thanh Niên tổ chức (do các anh Lưu Văn Tánh, Liên Khui Thìn, và Bs. Cái Phúc Thắng phụ trách), học viên khoảng hơn 40 người.

Có thể nói, phương pháp Diện Chẩn mới được hình thành từ năm 1980 tại TP. Hồ Chí Minh, và chỉ trong năm 1981 đã phát triển nhanh chóng. Bước phát triển này đã được các phương tiện truyền thông đưa tin, như: báo Tin Sáng đăng bài “Diện Châm: một bước tiến mới của khoa châm cứu” (PV Trương Lộc – 25/2/1981), báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài “Diện Chẩn – Diện Châm” ( 27/8/1981),Thông tấn xã Việt Nam đưa tin “Châm cứu vùng mặt: Một phát minh y học của Việt Nam”(tác giả Trần Mai Hạnh – 04/9/1981). Và đến ngày 21/9/1981 báo Nhân Dân đã đăng lại bài này.

Thầy Bùi Quốc Châu đã có những hoạt động hết sức tích cực để giới thiệu phương pháp này như báo cáo ở Hội Trí Thức Thành phố ngày 16/6/1981. Báo cáo ở Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM ngày 01/12/1981. Và đặc biệt là vào ngày 10/12/1981, Thầy Châu đã báo cáo ở văn phòng Thành ủy lần 1, Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt chủ trì, sau khi nghe tác giả báo cáo, ông Võ Văn Kiệt đã công nhận Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp (lúc bấy giờ còn gọi là Diện Chẩn – Diện Châm) là một phát minh y học của dân tộc Việt Nam. Ngay sau đó, ông đã chỉ đạo cho các ban ngành có liên hệ như Sở Y tế, Sở Thương binh xã hội, Văn phòng Thành ủy, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật TP. ủng hộ và tạo điều kiện để cho Thầy nghiên cứu ứng dụng phương pháp này. Đến ngày 18/12/1981,Thầy báo cáo tại văn phòng Thành ủy lần 2 do Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh chủ trì. Sau khi nghe Thầy báo cáo, ông Nguyễn Văn Linh cũng nhất trí ủng hộ. Cũng trong năm 1981, vào ngày 25/6 lớp Diện Châm thứ nhì có trên 100 học viên.

Đến ngày 10/3/1982, báo Tuổi Trẻ đăng bài “Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp: Một phương pháp chữa bệnh mới của Việt Nam”. Như vậy, một phương pháp mới, một dòng chảy Y học mới đã chính thức hội nhập vào các hệ thống y học đang vận hành tại Việt Nam, đem lại cho người Việt một sự hãnh diện về sức sáng tạo trong một lĩnh vực cực kỳ khó khăn, đó là lĩnh vực chữa trị bệnh tật và bảo vệ sức khỏe con người.

NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN

Phương pháp Diện Chẩn Điều Khiển Liệu pháp, cho đến nay đã có được 35 năm xây dựng và phát triển mà không dựa vào bất cứ một nguồn tài trợ nào.

Mặc dù vẫn chưa được công nhận một cách chính thức tại Việt Nam, nhưng lại được công nhận trên 35 quốc gia khắp thế giới với sự trân trọng hiếm có nếu so với các phương pháp trị liệu khác đã có trên thế giới (theo sách ABC Du DienChan xuất bản tại Pháp năm 2009).

Có thể nói một cách không cường điệu, đó là phương pháp y học duy nhất do người Việt Nam phát minh, đã được truyền bá khắp thế giới không phải chỉ bằng sự truyền miệng hay phổ biến kiến thức qua sách vở, hay qua mạng Internet mà còn do sự đào tạo trực tiếp có bài bản với những kết quả điều trị cụ thể và kỳ diệu của chính tác giả.

Nét độc đáo của phương pháp này là nó không chỉ là một kỹ thuật chữa bệnh qua các công cụ đặc thù, mà còn là một triết lý sống, với những giá trị sống vô cùng hữu ích để đem lại cho con người không chỉ là sức khỏe – niềm vui mà còn là sự minh triết và lòng tự hào – tự hào về bản thân và tự hào về dân tộc.

Đó không chỉ là một trường phái mà còn là một hệ thống triết lý ảo diệu mà Đông phương gọi là Đạo. Chính vì thế, Thầy Bùi Quốc Châu đã gọi phương pháp này là Việt Y Đạo, được hiểu là một con đường triết lý đưa con người đến những giá trị hạnh phúc với một chủ trương  có 1 không 2, đó là ‘Biến bệnh nhân thành Thầy thuốc’ !

Từ 1983 – 1986 là giai đoạn mà Thầy Châu cần mẫn mở hết khóa này đến khóa khác để đào tạo các bệnh nhân trở thành Thầy thuốc ( ở đây ta hiểu là người chữa bệnh) cho chính mình và cho những người thân quen. Các lớp học mở ra vào các chủ nhật hàng tuần tại số 19Bis Phạm Ngọc Thạch – Q. 3 TP.HCM. Căn nhà này sau khi có ý kiến đề xuất của ông Mai Chí Thọ (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND Tp. HCM). đã được Thành ủy, Ủy ban ND duyệt cấp để làm cơ sở nghiên cứu và ứng dụng phương pháp Diện Chẩn phục vụ đồng bào.

Khởi đi từ những năm 1980 – cứ từng bước 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm rồi bây giờ là 35 năm, Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp với sức sáng tạo mãnh liệt của người sáng lập ra nó, không chỉ phát triển một cách mạnh mẽ khắp trong nước mà còn được phổ biến tại những quốc gia lớn, rất “khó tính” trong việc chấp nhận một phương pháp Y học mới như Pháp, Nhật, Đức, Ý để năm nào Thầy Châu cùng với các con trai cũng là những lương y về Diện Chẩn cũng bôn ba nơi hải ngoại, tổ chức các khóa học để đem lại vinh quang cho nền y học Việt Nam.

Các hoạt động trong nước:

GS.TSKH Bùi Quốc Châu cùng các học trò của ông đã trực tiếp giảng dạy cho hàng chục ngàn học viên, trước năm 2008 tại số 19Bis Phạm Ngọc Thạch P. 6, Q.3 (sau năm 2008 tại số 16 Ký Con P.7 Q. Phú Nhuận) và những nơi khác trong nước. Đến nay đã được 136 khóa đào tạo căn bản và 2 khóa nâng cao đến cấp 10. Các khóa học này đã giúp cho rất nhiều bệnh nhân được chữa bệnh và tự chữa bệnh cho mình cũng như đã tạo ra hàng trăm ngàn “thầy thuốc gia đình” đem những kiến thức, kỹ năng mà mình đã được học để chữa chạy cho những người xung quanh, từ con cái trong nhà cho đến họ hàng, bạn bè và ngay cả những người chưa quen biết, để dần dần hình thành những mạng lưới Diện Chẩn khắp nơi.

Các CLB Diện Chẩn đã phát triển mạnh tại các tỉnh phía Bắc, như:

-CLB nghiên cứu – ứng dụng DC tại Hà Nội do KS Phan Xuân Quyên phụ trách. Ngoài ra tại Hà Nội còn có các hoạt động tích cực về DC của BS Nguyễn Đắc Thảo, anh Hồ Phùng Hưng, BS Nguyễn Như Thọ, chị Phạm Minh Châu…

-CLB DC Hải Phòng do cô Nguyễn Thị Quốc Khánh phụ trách

-Ở Thái Bình có BS Ngô Minh Giám (mất năm 2014), anh Nguyễn Đăng Kỳ, BS Phạm Công Phổ, anh Đỗ ThanhTùng, anh Ngô Văn Đỉnh… cũng hoạt động rất tích cực về phong trào DC.

Tại Nha Trang từ những năm 1999 – các ông Võ Công Tú, BS Phạm Đình Thanh và ông Nguyễn Bích với các cộng sự cũng dày công biên soạn, thu thập các kiến thức vê Diện Chẩn do Thầy Châu giảng dạy để hình thành các tuyển tập sách, trình bầy từ lý thuyết đến các ca lâm sàng rất thiết thực và cụ thể cho mọi người tham khảo, như cuốn Tìm hiểu phương pháp chữa bệnh bằng Diện Chẩn – Kỷ niệm đại hội lần thứ I CLB Diện Chẩn ĐKLP Nha Trang – Khánh Hòa 2003 – Một tuyển tập rất nhiều đồ hình, kinh nghiệm điều trị với 625 trang đầy ắp các dữ liệu.

Ở các tỉnh miền Tây, như Vĩnh Long, từ năm 1983, Thầy Châu đã về quê hương của mình là Long Hồ trực tiếp giảng dạy DC cho các BS và y tá tại BV đa khoa Vĩnh Long. Sau đó, năm 1984, Thầy Châu cùngh BS Võ Khôi Bửu về Đồng Tháp trực tiếp giảng dạy cho các lương y, BS tại BV Đồng Tháp. Cũng năm 1984, Thầy Châu cùng các BS Võ Khôi Bữu, Vũ Văn Ngữ xuống BV Kiên Giang huấn luyện DC cho các lương y, BS, y tá tại đó. Năm 1985 và liên tiếp các năm sau đó cho đến năm 1990, Thầy Châu cùng lương y Tạ Minh nhiều lần xuống An Giang để dạy DC cho Hội Chữ thập đỏ tại thị xã An Giang. Đến năm 1993,Thầy và anh Tạ Minh xuống Sóc Trăng để phổ biến DC.

Còn tại Bạc Liêu thì từ năm 1984 trở đi cũng đã có nhiều người tự tìm hiểu mày mò học tập về Diện Chẩn, dù chưa thực sự nắm vững các nguyên lý cơ bản nhưng cũng đã có những phòng khám và chẩn trị từ thiện, giúp cho bao nhiêu người dân nghèo khổ, không có tiền chạy chữa theo Tây Y có thể thoát khỏi một số bệnh tật.

Hiện nay ở khắp cả nước, từ Bắc chí Nam đều có những người học và làm Diện Chẩn do Thầy Châu hướng dẫn trên Internet hay do Thầy và các con của Thầy trực tiếp hướng dẫn tại các khóa, lớp đào tạo DC. Ngoài ra còn có các môn sinh của Thầy ở nhiều nơi cũng tham gia vào việc phổ biến DC tại địa phương mình. Dần dà đã hình thành các câu lạc bộ Diện Chẩn và các chi nhánh Việt Y Đạo ở nhiều tỉnh để điều trị và hướng dẫn cho bệnh nhân phương pháp này.

Các hoạt động ở nước ngoài:

Năm 1988: Thầy được chính phủ Cuba mời sang La Habana giảng dạy Diện Chẩn cho các giáo sư, bác sĩ Cuba (hơn 50 người) trong thời gian 6 tháng. Các phương tiện truyền thông Cuba đã loan tin hơn 10 lần về hoạt động này.

Năm 1990: Thầy được các bác sĩ Liên Xô mời sang Mạc Tư Khoa mở địa điểm điều trị cho các bệnh nhân Liên Xô trong 2 tháng. Trước khi sang đã có 30.001 bệnh nhân đăng ký xin được chữa bệnh bằng phương pháp Diện Chẩn (theo báo Lao Động Liên Xô). Sau 2 tháng, số lượng bệnh nhân đã tăng lên đến 200.000 người. Để giải quyết phần nào số lương bệnh nhân quá đông này, Thầy Châu có cử 2 thành viên Diện Chẩn (anh Tạ Minh và chị Quốc Khánh) sang Mạc Tư Khoa trong 9 tháng để chữa bệnh theo hợp đồng đã ký trước đó.

Năm 1992: Thầy được Chủ tịch Cayxỏn Phomvihản mời sang Lào để mở địa điểm điều trị bằng phương pháp Diện Chẩn tại Viêng Chăn (thủ đô Lào). Sau khi nghe Thầy Châu giới thiệu vê chủ trương “Biến bệnh nhân thành thầy thuốc”, Chủ tịch Cayxỏn Phomvihản có nói “Diện Chẩn sẽ là một cuộc cách mạng y học thế giới trong tương lai.”

Giữa năm 1992: Thầy được BS Jean Pierre Willem, hiệu trưởng trường Đại học Y học tự nhiên Pháp mời sang Paris 8 tháng để giảng dạy về phương pháp Diện Chẩn. Các tạp chí y học Pháp và đài phát thanh RFI (Pháp), BBC (Anh), VOA (Mỹ) đều có đưa tin về sự kiện này, coi như đây là một phát minh y học của Việt Nam. Thời gian ở Pháp Thầy có sang Thụy Sĩ và Ba Lan để chữa bệnh và giảng dạy.

Năm 1993: Thầy trở sang Lào để cử 2 thành viên Diện Chẩn (anh Ngô Minh Hồng và anh Hùng) sang hợp tác với Lào mở địa điểm điều trị tại Viêng Chăn trong 8 tháng. Hiện nay đã có 1 câu lạc bộ Diện Chẩn do một Việt Kiều sống tại Lào điều hành.

Sau một thời gian củng cố và xây dựng các hoạt động cho Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp trong nước, năm 2001, GS.TSKH Bùi Quốc Châu lại tiếp tục lên đường truyền bá học thuật này đến các nước Tây Âu. Năm 2001 Thầy qua Đức trong 3 tháng để đặt nền móng cho việc thành lập ở Đức một câu lạc bộ Diện Chẩn mà sau này gọi là Học viện Diện Chẩn (Fachinstitut Fur Ganzheitliche Vinamassage) do bà Nguyễn Thị Thiết, một học trò của Thầy Châu điều hành.

Năm 2002: Thầy lại sang Pháp, và cùng với ông Nguyễn văn Quế ( một họa sĩ nổi tiếng ở Pháp) vừa mở các lớp giảng dạy Diên Chẩn cho các Việt kiều tại Paris vừa dịch một số tài liệu cơ bản của Diện Chẩn. Trong thời gian này này, bà Marie France Muller, một bác sĩ Tây y đã cùng một người Việt Nam là ông Lê Quang Nhuận (là học trò của một học trò Thầy Châu) biên soạn một số đầu sách mà sau này là cơ sở cho hàng loạt các phiên bản lấy từ nguyên bản tiếng Pháp chuyển sang các thứ tiếng khác

Đó là cuốn Dien Cham – une étonnante Methode Vietnamienne de Réflexologie Facial (Diện Châm một phương pháp đáng kinh ngạc của Việt Nam về liệu pháp Phản xạ học vùng mặt) – Tác giả: MD. Marie France Muller – Nhuan Le Quang. Sau đó là 2 cuốn Le Grande Livre de la Réflexologie Facial Tome I và Tome II – D’étonante techniques de santé venues D’Extrême Orient (Toàn tập Phản xạ học vùng mặt Tập I và Tập II – Một kỹ thuật bảo vệ sức khỏe đáng kinh ngạc đến từ Viễn Đông) cũng của hai tác giả trên.

Từ các tác phẩm trên, Diện Chẩn (mà ban đầu gọi là Diện Châm vì có sử dụng kim châm cứu trong một thời gian ngắn trong giai đoạn đầu) đã được giới thiệu trên toàn thế giới bằng các bản dịch ra nhiều thứ tiếng khác, như: Tiếng Anh (Facial Reflexology, A Self Care Manual – Cẩm nang tự chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp phản xạ học vùng mặt); tiếng Tây Ban Nha (Dien Cham – El fascinante Metodo Vietnamita de Reflexologia Facial); tiếng Hoa (Thiên long Bát Bộ – Diện Chẩn Huyệt Đạo do Đài Loan xuất bản) và sau đó là tiếng Đức, Ý, Nga, Hungaria, Tiệp Khắc… Tổng cộng đến nay, ngoài tiếng Việt, sách Diện Chẩn đã được xuất bản bằng 9 thứ tiếng.

Từ năm 2002 – 2006, GSTSKH Bùi Quốc Châu đã rong ruổi trên các quốc gia như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch để giảng dạy và phổ biến phương pháp Diện Chẩn. Tại Tây Ban Nha năm 2002, Thầy đã cùng anh Patryck Aguilar Cassara (do ông Nguyễn Văn Quế giới thiệu) mở các lớp đào tạo về Diện Chẩn để tiếp tục các hoạt động phổ biến Diện Chẩn cho người dân Tây Ban Nha, và sau này còn có các học trò đến từ các quốc gia khác như Thụy Sĩ, Italia, Romania, Hungary, Thụy Điển.v.v…

Không chỉ có GS TSKH Bùi Quốc Châu, mà cả các con trai Thầy là Lương y Bùi Minh Tâm, Bùi Minh Trí, Bùi Minh Luân đã kế thừa được sự nghiệp của Thầy, cũng đã qua Tây Âu để giảng dạy về Diện Chẩn vào các năm 2002 – 2003 ; 2004 và 2006. Sau đó, vào những năm 2007, 2008, LY. Bùi Minh Tâm và Bùi Minh Trí lại tiếp tục các hoạt động phát triển Diện Chẩn tại Pháp trong lúc Thầy Châu bận việc nhà, không xuất ngoại để giảng dạy như mọi năm.

Đến năm 2009, nhận được lời mời của CLB Phản Xạ Đa Hệ Bùi Quốc Châu(Club de Multiréflexologie BuiQuocChau do anh Patryck Aguilar phụ trách), từ ngày 05/10 đến ngày10/11/2009, Thầy Châu lại lên đường sang Pháp để giảng dạy về Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp trong 04 khóa học: 02 khóa được tổ chức tại Paris – thủ đô Pháp, 1 khóa tại Toulouse ( Pháp) và 1 khóa được tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha).

Ngoài ra, trong thời gian này, Thầy cũng đứng ra giới thiệu một tác phẩm của Thầy, lần đầu được viết bằng tiếng Pháp là cuốn ABC DU DIEN CHAN – Méthode originale vietnamienne de multiréflexologie faciale – để quảng bá phương pháp Diện Chẩn đến các khu vực và quốc gia nói tiếng Pháp – Phát hành tại nhà sách Cornaline ngày 07/10/2009 – Nhà xuất bản Grancher – 2009. Cũng trong năm 2009, nhận được lời mời của trường Đại học công nghệ kỹ thuật Queensland – Australia, từ ngày 18/11 đến này 31/12/2009, GS. TSKH Bùi Quốc Châu đã lên đường sang Úc, đến Brisbane để thuyết giảng về Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp – tại Institute of Health and Biomedical Innovation – Queensland University of Technology (Học viện về Tân Sinh học và Sức khỏe thuộc ĐH Công nghệ kỹ thuật Queensland).

Trong thời gian lưu trú để giảng dạy và giới thiệu sách về Diện Chẩn tại Paris tháng 10 năm 2009, Thầy đã tiếp nhận sự quan tâm học hỏi của một người nữ trí thức Việt Nam đang sinh sống tại Pháp là cô Lệ Yến Zys, một người rất ham học hỏi và với tấm lòng yêu mến Diện Chẩn, cô đã cùng Thầy thành lập Học viện Diện Chẩn Paris (Académie Dien Chan – ACDM).Thầy Châu là chủ tịch danh dự, cô Yến là chủ tịch, cùng điều hành công việc phổ biến và phát triển Diện Chẩn ra các nước trên thế giới. Đây là cơ sở pháp lý tổ chức các hoạt động đào tạo thường xuyên phương pháp này cho các học viên tại Pháp cũng như tại các quốc gia khác. Học viện này đặt tại số 99 Brancion – Paris 15, trong 6 năm hoạt động đã đào tạo được 47 khóa, chia ra như sau: Trình độ sơ cấp ( cấp 1,2,3):14 khóa. Trình độ trung cấp (cấp 4,5,6): 14 khóa. Trình độ trung cao (cấp 7,8,9): 9 khóa. Trình độ nâng cao (cấp10): 8 khóa. Trình độ cao cấp (từ cấp 10 trở lên): 2 khóa.

Ngoài ra, ở Nhật Bản có cô Tomino là một chuyên viên người Nhật, chuyên nghiên cứu về các phương pháp trị liệu Đông phương như Châm cứu, Bấm huyệt, chữa bệnh bằng hương liệu. . . cũng đã tìm đến với Diện Chẩn vào năm 2009 để học hỏi và sau đó khi về nước, cô đã giới thiệu phương pháp này với Viện IMSI, nơi cô đang giảng dạy. Sau thời gian tìm hiểu, Ban giám đốc đã mời Thầy Châu đến Tokyo vào tháng 12 năm 2010 để giảng dạy Diện Chẩn, đến nay đã mở được 6 khóa cho các học viên Nhật Bản. Hiện nay, từ những khóa này, các học viên Nhật theo hướng dẫn của cô Tomino đã mở những lớp căn bản về DC ra nhiều tỉnh khác, như Osaka, Yokohama, cũng như tham dự các hội chợ hang năm tại các tỉnh để chữa bệnh và giới thiệu DC cho công chúng Nhật Bản.

Tại Canada, vào năm 2012, anh Thịnh, một Việt kiều định cư tại thành phố Richmond rất ngưỡng mộ DC, đã mời Thầy Châu cùng cô Lệ Yến Zys và các con của Thầy là LY Bùi Minh Tâm, anh Bùi Minh Trí sang dạy DC và đã mở được 3 khóa cho người Việt.

Tại Thụy Sĩ, GS Bùi Quốc Châu cùng lương y Bùi Minh Tâm, anh Bùi Minh Trí đã mở được 3 lớp cho người Thụy Sĩ.

Còn ở  Ba Lan đã mở 1 lớp cấp 1 cho những người tham dự Hội nghị về Não ở thủ đô Warsaw do GS. Bùi Quốc Châu và cô Lệ Yến Zys trực tiếp giảng dạy.

 TÀI LIỆU VÀ DỤNG CỤ

Kể từ ngày thành lập, ngoài việc trực tiếp chữa bệnh cho nhiều người, mở các lớp giảng dạy trong và ngoài nước. GS. TSKH Bùi Quốc Châu còn biên soạn rất nhiều tài liệu, từ các sách về lý thuyết Diện Chẩn như: Diện Chẩn điều khiển liệu pháp, Ẩm Thực Dưỡng sinh, Âm dương Khí công…, cho đến các sách thực hành, như: Tuyển tập đồ hình Diện Chẩn, Chữa bệnh bằng Đồ hình phản chiếu và Đồng ứng theo phương pháp Diện Chẩn.

Ngoài ra, trong mỗi khóa học, ngoài phần thuyết giảng và hướng dẫn thực hành, các học viên còn được tham khảo và học tập qua các bộ giáo trình cho từng khóa. Hiện nay là đã đến khóa 136. Trong thời gian sắp tới Thầy cũng sẽ biên soạn và xuất bản sách về 1000 câu Tâm ngôn Diện Chân do Thầy suy tư và viết ra từ hàng chục năm nay. Sách này gồm những nguyên lý và giá trị sống, giúp cho học viên và bạn đọc thay đổi nhận thức, ngày càng trở nên tốt đẹp và lành mạnh không chỉ về cơ thể mà còn cả về tâm hồn.

Bên cạnh các tài liệu về lý thuyết và thực hành, Thầy Châu vá các các con Thầy là Bùi Minh Tâm, Bùi Minh Trí, Bùi Minh Luân và con rể là y sĩ Lý Văn Kiệt còn sáng chế ra các dụng cụ hỗ trợ hoạt động chữa trị và phòng bệnh một cách hữu hiệu mà hiện nay đã sáng chế ra thêm gần 40 loại dụng cụ mới ngoài 100 dụng cụ đã có từ trước, các dụng cụ này dùng cho việc trị liệu hơn 100 chứng bệnh khác nhau.

 HOAT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG

Ngoài việc phổ biến kiến thức trong các lớp huấn luyện, Thầy và các cộng sự, học trò, thân hữu thực hiện các trang web tiếng Việt (dienchan.comdienchanviet.comdienchan.vn) các trang web tiếng nước ngoài (dienchan.orgdienchan-federation.frdienchanparis.comdiencong.com) và rất nhiều các trang blog cá nhân để quảng bá giới thiệu phương pháp Diện Chẩn. Các hoạt động này cùng với các video clip được giới thiệu trên Youtube đã giúp cho hàng chục triệu người trên 120 quốc gia trên thế giới biết đến Diện Chẩn và có thể áp dụng để tự chữa bệnh cho mình và cho người thân.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, ngoài các báo như Nhân Dân, Tuổi Trẻ đã có những bài giới thiệu về Diện Chẩn, thì hiện nay tạp chí Người Giữ Lửa ở Hà Nội đã giới thiệu từ tháng 12/2014 đến nay qua 36 số báo về Diện Chẩn và vẫn còn đang tiếp tục.

 HOẠT ĐỘNG TRONG TƯƠNG LAI

Với hiệu quả và sự phát triển của phương pháp Diện Chẩn, trong thời gian sắp tới GS.TSKH Bùi Quốc Châu đã dự kiến thực hiện các hoạt động sau:

1/ Tìm hiểu và phát huy đặc tính của từng loại dụng cụ để thay thế cho các phác đồ (vốn phức tạp và khó nhớ với đa số người dân) việc này nhằm mục đích giúp cho người dân dễ học, dễ thực hành các kỹ thuật đơn giản để tự phòng và chữa bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

2/ Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về từng đề tài bệnh cụ thể để người dân có thể hiểu để phòng ngừa và tự điều trị cho mình ở nhà một cách ít tốn kém và an toàn nhất.

3/ Giới thiệu các kỹ thuật chữa bệnh bằng Diện Chẩn lên Youtube để phổ biến Diện Chẩn một cách nhanh chóng và rộng rãi hơn.

4/ Tổ chức các buổi chữa bệnh từ thiện kết hợp với dạy các kỹ thuật đơn giản của Diện Chẩn.

5/ Tổ chức các buổi dạy cho thiếu nhi cách tự chữa bệnh ở nhà qua các câu truyện và tranh ảnh.

6/ Tổ chức các buổi nói chuyện về Tâm ngôn Diện Chẩn cho các học viên và quần chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những câu Tâm ngôn do Thầy viết ra từ những suy nghĩ qua trãi nghiệm cuộc sống của Thầy được đúc kết lại.

7/ Hiệu đính và bổ sung các sách Diện Chẩn, Âm dương khí công, Ẩm thực dưỡng sinh.v.v… đã có trước đây.

8/ Viết tiểu thuyết “Tiểu thần y đất Việt”.

9/ Viết sách về Diện Chẩn thú y, chữa bệnh cho gia súc như trâu, bò, ngựa, dê, chó, mèo, chim…

10/ Thành lập hội quán Diện Chẩn để truyền bá Diện Chẩn một cách chính thống, từ đó có thể giúp cho các học viên không chỉ biết về cách chữa bệnh mà còn có thể chia xẻ các giá trị sống thông qua các Tâm ngôn Diện Chẩn.

11/ Viết sách chữa bệnh cho cây cối, làm cho ra nhiều hoa, trái.

12/ Soạn cuốn tự điển Huyệt DC Trên Mặt.

Điều này, một lần nữa đã khẳng định giá trị và sự phát triển của phương pháp Diện Chẩn, như một dòng chảy luôn luôn biến chuyển để từng bước đem lại cho con người, không riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới một nguồn lực mạnh mẽ, giải quyết được những vấn nạn lớn cho con người về Sức Khỏe, về Thể Chất và sự Bình An trong tâm hồn. Điều đó đã khiến cho một nhà y học nổi tiếng của Pháp, BS Jean Pierre Willem, đã viết trong lời tựa của cuốn sách ABC về Diện Chẩn: “Căn cứ vào toàn bộ các phát minh của ông, chúng ta phải công nhận rằng Giáo sư Bùi Quốc Châu là một thầy thuốc thiên tài và là một ân nhân của nhân loại”.

 LÊ KHANH

Chuyên gia tâm lý – Phó giám đốc chuyên môn Trung Tâm Rồng Việt- Vũng Tàu  – Nguyên trợ lý cho GSTSKH Bùi Quốc Châu từ năm 2006 đến năm 2013.