In bài này

Chuyên gia vật lý trị liệu “cầu cứu” đến Diện Chẩn (Kỳ 35)

 Thực hư khả năng chữa bách bệnh của phương pháp mang tên "Diện Chẩn" - Báo Người Giữ Lửa

Mắc nhiều thứ bệnh nghiêm trọng, chuyên gia vật lý trị liệu “cầu cứu” đến Diện Chẩn

Được gọi là “thầy” trong nghề vật lý trị liệu, trong 10 năm, người phụ nữ quê Vĩnh Long đã chữa bệnh cho rất nhiều người. Tuy nhiên, “dao sắc không gọt được chôi” khi chính bản thân chị lại mắc rất nhiều thứ bệnh trầm trọng. Chị đã cố gắng tự chữa cho mình nhưng bất thành nên buộc phải tìm kiếm đến phương cách khác.

Bị bệnh nặng do nghề nghiệp

- PV: Thưa chị, xin chị giới thiệu đôi nét về bản thân?

- Chị Lê Thị Kim Muội: Tôi tên Muội, sinh năm 1976, quê gốc ở Vũng Liêm (Vĩnh Long). Tôi lấy chồng và chuyển ra Sài Gòn sinh sống nhiều năm rồi. Chồng tôi hiện đang ở Pháp, còn tôi ở lại Việt Nam cùng với gia đình nhà chồng.

- Được biết, trong nhiều năm, chị đã chữa vật lý trị liệu cho nhiều bệnh nhân?

- Quả có như vậy. Khoảng 10 năm trước, ba chồng tôi bị tai biến mạch máu não. Sau khi điều trị ổn ở bệnh viện, bác sỹ cho về nhà để tự làm vật lý trị liệu. Nhưng, thuê người đến trị mắc quá, mà bản thân tôi lại không làm gì ngoài nội trợ. Vì thế, tôi quyết tâm đi học vật lý trị liệu để chữa cho ba chồng. Sau khi ba tôi khỏi, thấy hứng thú với công việc này nên dần dà tôi nhận trị bệnh cho nhiều người khác. Cho đến đầu năm nay, tôi vẫn nhận ra nhiều ca bệnh cần đến vật lý trị liệu. Tôi đến nhà bệnh nhân, chữa cho người ta và nhận tiền công theo giờ.

- Là người chuyên chữa bệnh bằng phương pháp vật lý trị liệu tại gia, cái được và mất của chị là gì?

- Trong 10 năm, công việc này là nghề mưu sinh của tôi. Đấy là cái được thứ nhất. Cái được thứ 2 là tôi đã giúp nhiều người có cuộc sống tốt hơn, tránh xa bệnh tật. Nhờ đó, nhiều người gọi tôi là “thầy” và mang ơn tôi. Nhưng, có được thì cũng có mất. Do làm vật lý trị liệu rất tốn sức, kết hợp với các động tác khó, đòi hỏi cơ thể phải đè, phải kéo- nên tôi mắc nhiều thứ bệnh liên quan đến xương khớp. Kể từ năm 2013, tôi đã phải chịu đựng nhiều thứ bệnh khác nhau. Danh sách những bệnh của tôi kéo dài lê thê, ví dụ thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, suy giảm chức năng dây chằng khớp gối. về cơ bản, thân thể tôi trở nên rệu rã, không hơn gì những bệnh nhân mà hàng ngày tôi vẫn nhận trị bệnh.

“Chẳng nhẽ thầy vật lý trị liệu lại đi mổ?...”

- Là một người đã sử dụng vật lý trị liệu để chữa cho người khác trong nhiều năm, hẳn là chị có thể dùng phương pháp này để chữa cho mình?

- Không phải đâu nhà báo ạ. Chẳng dám giấu gì anh, tôi không thể tự chữa cho mình được. Thông thường, vật lý trị liệu phải nhờ đến người khác giúp chứ bản thân người bệnh thì làm gì được. Tôi là “thầy”, chẳng lẽ lại nhờ người khác chữa vật lý trị liệu cho mình. Thế nên tôi cắn răng chịu đựng.

- Đấy là một lựa chọn rất không tốt. Nếu chị cứ chịu đựng mà không chữa trị thì bệnh nặng hơn?

- Đúng là bệnh của tôi ngày càng nặng hơn. Buổi sáng, tôi thậm chí không thể mặc quần áo một cách bình thường. Người tôi rất đau, như ai đó lấy búa đánh vào các khớp xương. Có bữa, chỉ bước xuống bậc thang rất thấp mà tôi còn té lăn quay, phải la oai oái để người nhà đỡ dậy. người nhà đưa tôi đến bệnh viện, bác sỹ nói tình trạng của tôi xấu lắm, phải phẫu thuật ngay.

Tôi suy nghĩ rất lâu rồi quyết định không mổ. Chẳng nhẽ thầy vật lý trị liệu lại đi mổ, coi kỳ lắm. Nên tôi đặt cược vào thuốc. Tôi mua nhiều loại thuốc bổ để làm tăng dương khí trong cơ thể hòng chống chọi với bệnh tật. Chồng của tôi ở Pháp cũng gửi về nhiều loại thuốc đặc hiệu, đắt tiền.

- Tiến triển sức khỏe của chị ra sao?

- Nói thật là không có biến đổi gì đáng kể. Thuốc bổ chỉ giúp tôi duy trì cơ thể ở trạng thái chịu đựng được, nhưng bệnh tật như con sâu, con mọt đã “ăn” mục ruỗng thân thể tôi từ bên trong. Giống như thân cây già cỗi và mục nát, cơ thể tôi có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Điều này khiến tôi rất buồn phiền.

Nhờ tới Diện Chẩn để tự cứu mình

- Được biết, chị đã tham gia lớp học iện chẩn vào tháng 12/2014. Tại sao chị biết đến phương pháp này?

- Thực ra, tôi biết đến Diện Chẩn từ lâu. Ở Pháp, người dân biết đến Diện Chẩn rất nhiều do GS.TSKH Bùi Quốc Châu đã phổ biến phương pháp này ở đây trong thời gian dài. Vì thế, khi biết tôi bị bệnh, chồng tôi đã gọi điện về, nói rằng tôi nên đi học Diện Chẩn. Tuy được khuyên như vậy nhưng tôi vẫn băn khoăn và chần chừ. Tôi sợ rằng môn này khó học, bản thân mình không chắc có tiếp thu nổi hay không. Lưỡng lự gần nửa năm, tới khi bệnh nặng quá, sức khỏe giảm hẳn, tôi mới tìm đến 16 Ký Con (quận Phú Nhuận, TP.HCM) để đăng ký học Diện Chẩn. Đó là 1 trong những quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi.

- Ấn tượng đầu tiên của chị về phương pháp Diện Chẩn là gì?

- Nó không hề khó như tôi nghĩ. Rất thiết thực, rất dễ dàng, rất rành mạch, khoa học. Trong buổi học đầu tiên, tôi được sự hướng dẫn của thầy Bùi Minh Luân. Khi nghe tôi kể về bệnh tình của mình, thầy Luân chỉ cho tôi các bộ huyệt đơn giản để tự điều chỉnh cơ thể. Diện Chẩn có 1 điểm rất hay là người ta có thể tự chữa cho mình. Theo sự hướng dẫn của thầy Luân, tôi ấn vào các sinh huyệt tác động đến cột sống. Quả nhiên, chứng đau lưng, đau cổ đã hành hạ tôi nhiều tháng biến mất nhanh chóng. Từ ngày đầu tiên ấy, tôi đã loại bỏ hết những nghi kỵ đối với Diện Chẩn.

- Hiện nay, tình trạng của chị như thế nào?

- Càng học nhiều và hiểu rõ về Diện Chẩn, tôi càng thêm tự tin áp dụng những đồ hình và nguyên tắc phản chiếu, đồng hình đồng ứng để tự chữa bệnh cho mình. Hiện giờ, tôi không còn thấy đau lưng, không còn cảm giác mệt mỏi như thời điểm một năm trước. Thậm chí, tôi còn có thể sử dụng Diện Chẩn để chữa bệnh cho người khác. Nói đúng hơn, từ một “thầy” vật lý trị liệu, tôi đã chuyển thành người chuyên chữa bệnh bằng Diện Chẩn. Điều này quả là rất tuyệt vời đối với tôi.

Tại số nhà 16 Ký con (quận Phú Nhuận, TP.HCM), nhà Nhà phát minh Bùi Quốc Châu cùng các con trai, con rể vẫn liên tục mở các lớp đào tạo Diện Chẩn. Trong các số báo trước, chúng tôi đã giới thiệu tới độc giả về hai người con trai của thầy Châu là Bùi Minh Tâm và Bùi Minh Luân. Ngoài ra, người con trai Bùi Minh Trí và con rể Lý Văn Kiệt của thầy Châu cũng rất tinh thông việc chữa trị và giảng dạy Diện Chẩn. tâm sự với chúng tôi, thầy Châu cho biết, thầy không hề ép buộc các con học hay thực hành Diện Chẩn, dù thầy là người phát minh ra phương pháp này. Việc các con thầy Châu trở thành những người theo đuổi Diện Chẩn hoàn toàn là sự lựa chọn, và cũng là niềm đam mê của họ.

Hoài Sơn (Báo Người Giữ Lửa)
DienChanViet.Com
Diện chẩn chữa bệnh