In bài này

Bác sĩ tốt nhất là chính mình -04- Đơn thuốc tốt nhất cho chúng ta là tri thức

 PHÓ THÁC SỨC KHỎE CHO BÁC SĨ LÀ SAI LẦM

 Hiện nay người ta thường mắc phải một sai lầm lớn, đó là gì? để đến khi có bệnh mới đi bệnh viện, khi có bệnh mới mời bác sĩ, phó thác hy vọng về sức khỏe của mình cho bác sĩ, đây là một thói quen suy nghĩ rất sai lầm. Bác sĩ có giúp gì được không? đương nhiên là có, họ có thể giúp được bạn, nhưng tác dụng rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 8%.

Trên kim tự tháp sức khỏe có bốn mẫu người

Sức khỏe là gì? Sức khỏe không chỉ là vấn đề không có bệnh, không cảm thấy khó chịu trong người, càng không phải là chỉ về một hình thể tráng kiện. Sức khỏe có thể phân thành bốn tầng bậc khác nhau, bao gồm:

sức khỏe thể xác, sức khỏe tâm lý, sức khỏe thích ứng trong giao tiếp xã hội và sức khỏe đạo đức tinh thần. Sức khỏe bao gồm trạng thái toàn mỹ và tốt đẹp của bốn tầng bậc này. Kim tự tháp sức khỏe này càng đi lên thì càng thể hiện sự phát triển cao hơn, khái niệm sức khỏe càng mang tính bao quát hơn.

Bàn luận cụ thể, sức khỏe thể xác là trạng thái đơn giản nhất, sức khỏe tâm lý phức tạp hơn, cao hơn nữa là sức khỏe thể hiện khả năng hòa hợp trong giao tế xã hội, và sức khỏe đạo đức tinh thần là phức tạp nhất. Sự phát triển sức khỏe từ thể xác đến tâm lý rồi đến tâm hồn là sự phát triển mỗi lúc một cao hơn, thể hiện mức độ tiến hóa hơn. Một người có tâm hồn cao thượng thì tâm lý yên bình; tâm lý yên bình thì sinh lý ổn định; sinh lý ổn định thì bệnh sẽ không phát sinh, cho dù có bệnh thì cũng sẽ mau chóng hồi phục.

Một người đến bệnh viện kiểm tra tổng quát, tất cả đều tốt. Như vậy là chứng tỏ anh ta có sức khỏe tốt? Chưa hẳn là thế, bởi vì nếu anh ta làm những việc xấu, tâm lý suốt ngày lo lắng, sợ có người gõ cửa nhà mình, như thế là anh ta không khỏe mạnh. Cho dù có địa vị cao nhất thiên hạ, anh ta cũng không khỏe mạnh, vì sao? Bởi vì anh ta đang trên con đường đến gần nhà giam. Do đó, người có sức khỏe tốt nhất định phải là người có đạo đức tốt, có văn hóa tốt.

Có bốn mẫu người không cùng trạng thái sức khỏe. Mẫu người thông minh, họ chủ động đối với sức khỏe, biết đầu tư cho sức khỏe, do đó sức khỏe của họ không ngừng được tăng thêm, có thể sống đến 120 tuổi. Mẫu người thứ hai là người sống minh bạch, họ cũng biết chú ý đến sức khỏe, không lãng phí sức khỏe, kết quả là sức khỏe được duy trì, sống bình an đến 90 tuổi; mẫu thứ ba là những người bình thường, họ luôn chủ quan đối với sức khỏe, sinh hoạt không điều độ, kết quả là sức khỏe ngày càng giảm sút, dễ mắc bệnh, chỉ có thể sống được bảy mươi, tám mươi tuổi; mẫu người thứ tư là người hồ đồ, cẩu thả, trong số họ rất nhiều người thuộc thành phần ưu tú, làm lãnh đạo xã hội, nhưng lại thường ít chú ý chăm sóc, quan tâm đến sức khỏe, kết quả thường mắc bệnh tật sớm, chết sớm, chỉ sống được khoảng năm mươi, sáu mươi tuổi. Bốn loại thái độ đối với sức khỏe cho bốn loại kết quả khác nhau; bởi đối với sức khỏe thì mọi người đều bình đẳng, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.

Sức khỏe có thể phân chia theo bốn tầng bậc: thể xác, tâm lý, thích ứng trong giao tế xã hội, và đạo đức tinh thần. 4 loại thái độ đối với sức khỏe cho bốn loại kết quả khác nhau.

Bốn giai đoạn sức khỏe, giai đoạn dự phòng là quan trọng nhất

Thế kỷ 20, sự chú ý đến trị bệnh trong y học là chủ yếu, thế kỷ 21 hướng chú ý sẽ chuyển sang việc phòng bệnh; thế kỷ 20, con người chủ yếu quan tâm đến việc chữa bệnh, thế kỷ 21 mối quan tâm chủ yếu sẽ là sức khỏe. Bởi vì chữa bệnh chỉ là hạ sách, làm sao để sức khỏe tốt mới là thượng sách, đó mới là sự vẫy gọi của thời đại ngày nay, là biểu hiện của xã hội văn minh tiến bộ.

Sức khỏe chia thành bốn cấp bậc. Cấp bậc thứ nhất là phát triển sức khỏe, cấp bậc thứ hai là phòng bệnh, cấp bậc thứ ba là trị bệnh, cuối cùng là năng lực hồi phục sức khỏe. Mục tiêu đầu tiên của y học là phát triển sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Chúng ta làm bác sĩ không có nghĩa là tránh không để cái chết xảy ra, nhưng là tránh không bị chết sớm, không phải là cái chết trong bệnh tật. Hạn chế của chúng ta hiện nay là gì? đó là công việc của các bệnh viện hiện nay chủ yếu vẫn là cấp cứu và trị bệnh, việc điều trị giúp hồi phục sức khỏe rất ít, việc phòng bệnh càng ít hơn, còn việc giúp cho phát triển sức khỏe thì hầu như không có.

Một chuyên gia người Mỹ từng nói rất chí lý, khoa học kỹ thuật cho dù có như thế nào cũng không thể giúp cho người ta khôi phục lại trạng thái trước khi bị bệnh. Có người mắc bệnh xuất huyết não, nhờ khoa khoa học cao đã thông được đường máu và cứu sống người bệnh, nhưng rồi người bệnh bị liệt nửa người. Rất nhiều trường hợp người bị bệnh mặc dù chữa trị được nhưng thường thì hoạt động của những bộ phận đó không thể tốt được như trước, ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khỏe chung của cơ thể. Do đó chuyên gia người Mỹ nói thật đúng, người bác sĩ tốt là người bác sĩ mà không để cho người bị mắc bệnh.

Trong Hoàng đế nội cung 2400 năm trước công nguyên kể: “Trị bệnh cho vua từ khi chưa có bệnh”. Tục ngữ phương Tây có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hiện nay rất nhiều người trong chúng ta vì không biết bỏ ra một chút tốn kém cho phòng bệnh mà phải tốn rất nhiều chi phí cho chữa bệnh. Cũng giống như việc chống lũ, mỗi năm ngăn lũ thì nước lại cao hơn, kinh phí tốn kém hơn, vậy mà không chịu trồng cây ở vùng thượng lưu. Chỉ cần xanh hóa vùng thượng lưu, khiến non xanh nước biếc, nạn hồng thủy cơ bản sẽ được giải quyết. Phòng hỏa cũng như vậy, xe cứu hỏa tốt đến mấy cũng không bằng không để cho lửa cháy.

Trong bốn giai đoạn của sức khỏe, dự phòng là thượng sách, trị bệnh là hạ sách. 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Tuổi thọ trung bình của chúng ta hiện nay đã được nâng cao, nhưng tuổi thọ sức khỏe thì vẫn còn rất thấp. Nếu chúng ta biết cách chăm sóc, quan tâm tới sức khỏe thì chắc chắn tuổi thọ sức khỏe của chúng ta có thể nâng cao lên rất nhiều, đồng thời còn có thể tiết kiệm được những khoản chi cho tiền thuốc thang.

Có một bệnh nhân nữ 14 tuổi sau khi được ghép tim sống thêm được 214 ngày, nhưng khoản chi phí cho ca ghép thì vô cùng tốn kém. Một bệnh nhân khác bị hẹp huyết quản phải đưa vào một ống dẫn và một cái giá đỡ. đường kính bên trong cái giá là 3 mi-li mét, trọng lượng chưa tới 0,5 gam, nhưng bạn có biết giá tiền là bao nhiêu không? đó là 2,5 vạn nhân dân tệ, một lần phải sử dụng khoảng hai ba cái. Lại tiếp tục được nối với một ống dẫn, giá vào khoảng 1,8 vạn nhân dân tệ một ống, dùng cho một lần rồi bỏ, làm một lần hết 5 vạn, 7 vạn, thậm chí hơn 10 vạn, thật tốn kém không kể xiết. Khoa học cho dù tân tiến thế nào cũng không giúp được người bệnh khôi phục lại trạng thái ban đầu, vì vậy việc phòng bệnh trước khi để nó xảy ra là vô cùng quan trọng.

Có một người bị bệnh cao huyết áp đã 12 năm, bệnh của ông ta cũng rất kỳ quái, cao đến 200 mà cũng không thấy khó chịu, nhưng ông ta rất khó chịu với thuốc giảm áp. Ông ta hỏi dò hai vị bác sĩ, một vị thì nói, ông cần phải uống thuốc; vị kia thì nói, nếu uống thuốc thấy khó chịu thì đừng uống, vậy là ông ta đã không uống thuốc. Mười hai năm sau, động mạch của ông xơ cứng, tăng urê- huyết, thế là, một tuần phải thay máu ba lần, một năm tốn hết 9 vạn nhân dân tệ, sau 10 năm thay máu, tốn hết 90 vạn nhân dân tệ. Vợ của ông ta mất mười năm chạy vạy tiền bạc. Ông ta suốt ngày ngồi xe lăn, sống dở chết dở, cả người bị phù do thiếu máu, nhưng cuối cùng vẫn chết. Nếu như trước đây mỗi ngày ông ta chịu khó uống một viên thuốc, chỉ tốn có một nhân dân tệ là khống chế được bệnh, thế nhưng ông ta đã không làm thế, kết quả là phải tốn kém tới 90 vạn nhân dân tệ.

Có nhiều căn bệnh nếu phát hiện sớm thì việc chữa trị rất đơn giản. Như bệnh cao huyết áp, mỗi ngày uống một viên thuốc, uống từ ba tháng đến nửa năm thì khỏi bệnh. Thế nhưng bạn bỏ quên ba đến năm năm, thậm chí lâu hơn, như thế vấn đề không còn là một viên thuốc, có thể sẽ phải uống kết hợp đồng thời hai loại thuốc. Nếu bạn bị xuất huyết não tới cả chục năm mà không để ý, như thế thì một hai viên thuốc chẳng có tác dụng gì, mà cần phải khai thông bằng cách hút máu ra.

Những nghiên cứu cho thấy, chỉ cần chúng ta đầu tư một phần cho phòng bệnh có thể giảm được chín phần chi phí cho chữa bệnh. Nhưng điều quan trọng hơn nữa đó là không còn phải thấy tình cảnh đáng thương của người bệnh, người nhà họ cũng không phải mệt mỏi, tiết kiệm được chi phí thuốc thang và viện phí, tạo phúc cho xã hội.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh thực sự rất đơn giản, lại khiến chúng ta không bị bệnh, vì vậy có thể nói, cho dù khoa học y học có tiến xa đến đâu cũng không bằng phòng trước để đừng mắc bệnh. 

Đừng để chết vì thiếu hiểu biết

 Một vị giáo sư bị mắc bệnh động mạch vành, đây là căn bệnh cần phải tránh việc dùng sức đột ngột. Trong một lần ông ta bê sách, số sách rất nặng, đáng lẽ một lần mang hai ba cuốn, làm từng chút một là được, nhưng ông ta lại bê cả đống sách, vừa nín thở ra sức, lập tức tim ngừng đập. Sau khi cố gắng cấp cứu, tim ông ta đã đập lại, nhưng não thì đã chết, trở thành một người thực vật. Nếu như ông có hiểu biết về sức khỏe, biết bản thân không nên dùng sức, ông có thể bê một lần hai ba cuốn, như vậy chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra.

Có một người ở Bắc Kinh vào ngày 1 tháng 11 đã bán được rất nhiều rau cải trắng để ở chân tường. Ngày 3 tháng 11 có một trận mưa tuyết, anh ta sợ mưa tuyết sẽ làm hỏng rau, thế là ra sức bê rau lên sân thượng lầu 3. Một cây cải trắng nặng mấy cân, lần đầu anh ta bê được 3 cây, lần thứ hai bê được hai cây, lần thứ ba lại bê được hai cây, tổng cộng tất cả tới 50-60 cân. Nhưng bởi ngày thường anh ta không làm việc, trong một lát chạy lên chạy xuống tận lầu ba nhiều lần, vì thế anh ta mệt đến thở hổn hển, càng thở càng thì thấy khó chịu, cuối cùng ho đến thổ huyết ra. Anh ta cảm thấy không bình thường, vội vàng đi bệnh viện!

Người bác sĩ nhận thấy tình hình không ổn, nguyên nhân là do bị nhồi máu cơ tim cấp tính, thế là lập tức cấp cứu bằng một mũi thuốc, chi phí cho mũi thuốc này cứ 1gam là 15000 nhân dân tệ. Một gam vàng mới có 100 nhân dân tệ, 0,1gam vàng mới có 10 nhân dân tệ, vậy mà 0,1 gam thuốc này tới 15000 nhân dân tệ. Quả thật thuốc rất có hiệu quả, vừa tiêm vào thì bệnh tình nhanh chóng được giải quyết. Cuối cùng tổng cộng tiền viện phí và tiền thuốc hết 6 vạn nhân dân tệ, chỉ một chút xíu nữa thì tính mạng không còn. Nếu như anh ta được giáo dục về sức khỏe, hiểu được đạo lý trong đó, chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy!

Có một người đàn ông 38 tuổi bị cao huyết áp, bác sĩ khuyên anh ta cai thuốc lá và uống thuốc đúng giờ giấc, người bệnh nhân này xem nhẹ và nói: “Ăn ngủ bình thường nghĩa là không sao, khí lực mạnh mẽ nghĩa là thân thể cũng khỏe mạnh”, anh ta còn chứng minh bằng cách bê một cỗ máy nặng hơn trăm cân mà như không tốn chút sức nào. Cả công xưởng đều hoan hô: “Các anh em, hãy xem, người có sức khỏe tốt nhất xưởng chúng ta ”. Ba tháng sau, trong một lần uống quá nhiều rượu, anh ta bị say và té ngã trên đường, mọi người đưa đi cấp cứu nhưng không kịp. Kết quả kiểm tra thi thể cho thấy: động mạnh vành tim quá hẹp, cơ tim sơ cứng cấp 5. Một thanh niên ra đi một cách nhẹ nhàng như thế, mọi người đều thương tiếc than: “Tại sao một người có sức khỏe tốt nhất phân xưởng lại chết sớm nhất?” Nghe có vẻ mâu thuẫn, thực sự thì có lý của nó, nguyên nhân chính của cái chết là do thiếu hiểu biết.

Rất nhiều người không phải chết do bệnh tật mà là do thiếu hiểu biết. Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra: “Chỉ cần mỗi người chú ý đến việc phòng bệnh thì có thể giảm được một nửa số ca tử vong”. điều này có nghĩa là một nửa số ca tử vong đáng lẽ hoàn toàn có thể cứu được nếu biết phòng tránh.

 Sức khỏe cần phải được giáo dục

Thành phố Bắc Kinh từng thi hành một hạng mục về phát triển sức khỏe, tiến hành tuyên truyền và giáo dục đối với những hành vi nguy hiểm của người dân tham dự về 7 loại bệnh mãn tính không gây truyền nhiễm, bao gồm: hút thuốc, uống rượu, ăn uống không hợp lý, ngồi quá lâu, lười tập thể dục và dư cân… Trong phạm vi 2284 hộ, 330 vạn nhân khẩu. Tiến hành quản lý giáo dục cho hơn 9700 người bị bệnh cao huyết áp, một năm tiết kiệm được chi phí chữa trị hơn 100 vạn nhân dân tệ, tỷ lệ điều trị được là 90%, trong đó 58% đã đạt được kết quả rất tốt. Nếu như 200 vạn người cao huyết áp của thành phố đều được chỉ đạo giáo dục như thế, dự tính mỗi năm có thể giảm được chi phí điều trị là hơn 2 tỷ nhân dân tệ.

Tầm nhìn của liên bang Nga về mặt này có thể là một tấm gương. Bộ trưởng giáo dục Nga đã từng quy định “Trong môn học thể dục của nước Nga cần phải tăng cường giáo dục về đạo đức”, tầm quan trọng của việc tăng cường phương diện giáo dục này là vô cùng quan trọng, nước Nga cần phải triển khai chương trình giáo dục “cách sống khỏe mạnh” cho học sinh. Theo điều tra của liên bang Nga, cuộc sống của mỗi người chỉ có 15% quyết định bởi y học và thuốc, 85% quyết định ở cách sống của mỗi người. Gần 30 năm trở lại đây, chương trình giáo dục phổ thông ở Nga quá nặng nề, tố chất cơ thể học sinh ngày một giảm sút, học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học chỉ có 15% là khỏe mạnh, 85% người bệnh có các loại bệnh mãn tính. Do chương trình học quá nặng và thể chất giảm sút, trình độ của học sinh trung và tiểu học cũng kém đi. để phối hợp triển khai giáo dục cách sống khỏe, học sinh trung tiểu học ở Nga từ mỗi tuần hai giờ thể dục tăng lên mỗi ngày đều có một giờ thể dục, đồng thời thứ bảy và chủ nhật các gia đình cũng không làm việc, để học sinh có thời gian rèn luyện thân thể hoặc tham gia những hoạt động vui chơi giải trí.

Ơ Mỹ và nhiều nước phương Tây, việc giáo dục và phổ biến về cách sống đã được tiến hành từ rất lâu. Vào năm 1877, nước Mỹ cho xây một bệnh viện điều dưỡng và đây cũng chính là một trung tâm giáo dục về cách sống khỏe cho mọi người. Hiện nay nước Mỹ có rất nhiều trung tâm giáo dục về cách sống khỏe, cho dù thu phí rất cao, người tham gia học vẫn rất đông.

Gần đây nhất, Bộ Y tế đã cho công bố kết quả mới nhất, đó là bảng “điều tra về tình hình sức khỏe và dinh dưỡng của người Trung Quốc” và cho thấy: tình trạng cách sống bệnh hoạn của người Trung Quốc ngày càng nhiều. Trong đó, số người dư cân là hai trăm triệu người, bệnh máu nhiễm mỡ là một triệu sáu trăm ngàn người, bệnh tiểu đường có bốn triệu người, bệnh cao huyết áp có một trăm sáu mươi triệu người …

Con số nêu trên thật đáng lo ngại. Lấy cao huyết áp làm ví dụ, hiện nay, tính riêng thuốc về cao huyết áp đã có tới hơn một trăm loại, những quan điểm học thuyết thì liên tiếp xuất hiện, những nghiên cứu liên quan đã có lịch sử hơn trăm năm, nhưng bệnh vẫn không thể khống chế được, người bệnh ngày càng nhiều, nguyên nhân là tại sao? Những tuyên truyền của chúng ta thường là quy nguyên nhân cho cuộc sống vật chất quá dư thừa, nhịp sống quá nhanh, sau đó đem các loại đạo lý về phòng và trị bệnh ra giảng. Nhưng rồi, rất ít người nghe, có lẽ bởi những đạo lý lớn đó ai chả biết, vậy thì tại sao tình trạng cuộc sống của chúng ta vẫn như vậy? Nguyên nhân chính là những đạo lý phòng và trị bệnh đó không đi được vào máu huyết, không vào được cốt tủy, không thể hình thành trong mỗi người một lòng tin, như vậy đương nhiên không thể trở thành hành động được.

Tri thức là như vậy, biết thì dễ, trở thành niềm tin thì khó. Vấn đề chữ “tin” ở đây không đơn giản dừng lại ở việc “điều này là đúng”, đây chỉ là bề nổi của vấn đề, điều quan trọng của chúng ta là làm sao để chữ “tin” này trở thành chữ “tin” của những hành động cụ thể. 

Đơn thuốc tốt nhất cho chúng ta là tri thức 

Độ tuổi mắc bệnh động mạch vành đã ngày càng trẻ hóa, đây là một cảnh báo cho chúng ta. Rất nhiều người mới 40 tuổi đã bị động mạch xơ cứng, 50 tuổi đã bị bệnh động mạch vành, 60 tuổi thì đứt mạch máu não. Bệnh tiểu đường, khối u, độ tuổi mắc bệnh được trẻ hóa là hiện tượng phổ biến trong xã hội chúng ta ngày nay. Cái cây sinh mệnh đáng lẽ mùa thu mới rụng lá, tại sao mùa hạ, mùa xuân  lá vẫn rụng đều đều. Trong cuộc sống của chúng ta tại sao mọi người cứ để cho bệnh tật dẫn đến cái chết một cách tự nhiên, tại sao đến cả học sinh tiểu học cũng bị cao huyết áp, học sinh trung học đã bị xơ cứng động mạch, chúng ta đang có vấn đề gì?

Theo một cuộc điều tra ở Bắc Kinh, người Bắc Kinh có 6 căn bệnh mãn tính: cao huyết áp, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, bệnh tim, bệnh động mạch vành, ung thư, thêm vào đó là những bệnh khác như tăng nhãn áp, tiểu đường, bệnh đục thủy tinh thể, loãng xương, có thể nói là đâu đâu cũng thấy bệnh.

Gần đây nhất, theo những điều tra về bệnh truyền nhiễm cho thấy, học sinh tiểu học thường quá mập và bị cao huyết áp; học sinh trung học đã bị gan nhiễm mỡ, xơ cứng động mạch; tuổi nhi đồng bị mắc những bệnh của tuổi thành niên, thanh niên thì mắc bệnh của tuổi già. Viễn cảnh trước mắt chúng ta là, bệnh tật xuất hiện sớm, già sớm, tàn phế sớm, chết sớm đã trở thành hiện tượng phổ biến. Hiện nay những căn bệnh như tiểu đường, cao huyết áp ngày càng “trẻ hóa”. Ở một bệnh viện có một bé trai mới lớp sáu đã nặng 198 kg, có học sinh mới học lớp 7 đã bị gan nhiễm mỡ và động mạch xơ cứng, tình trạng này mà cứ tiếp diễn thì thật là một thảm hại.

Như vậy, một thực trạng đã và đang xảy ra đó là, cùng với sự dư thừa về đời sống vật chất là sự phát triển các căn bệnh, dù không phải là bệnh mãn tính và gây truyền nhiễm như: cao huyết áp, bệnh động mạch vành, tiểu đường, khối u…, đồng thời độ tuổi phát bệnh ngày càng có xu thế trẻ hóa. Thực trạng này khiến chúng ta không thể không boăn khoăn lo lắng. Sự thực, đạo lý ở đây rất đơn giản, đó chính là chúng ta không được giáo dục về sức khỏe, dẫn đến thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe. Một vị cán bộ lão thành từng nói một câu rất hay: chúng ta cần có tri thức, không chỉ để sống một cách minh bạch mà chết cũng cần phải minh bạch. 

Đối với ngành y, trách nhiệm không chỉ nằm ở việc trị bệnh cứu người, mà điều quan trọng còn nằm ở việc giúp cho mỗi gia đình được ổn định, xã hội ổn định; gia đình khỏe mạnh, xã hội khỏe mạnh.

Vì thế, vấn đề sức khỏe cần phải được bắt đầu ngay từ lúc nhỏ, làm sao để đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã biết sống theo khoa học, để không bị bệnh sớm, tàn phế sớm, già sớm, và chết sớm. để chúng ta có thể sống khỏe đến tám mươi, chín mươi, một trăm tuổi mà không phải chỉ là giấc mơ. Khi chúng ta mạnh khỏe, bản thân chúng ta không phải chịu tội, gia đình chúng ta không phải mệt mỏi vì chúng ta, tiết kiệm được tiền thuốc, tiền viện, tạo phúc cho toàn xã hội.

Trên thực tế, phương hướng y học ở thế kỷ 21 lấy việc phòng bệnh là chính, nếu không, người bệnh sẽ càng ngày càng nhiều. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y thời đại ngày nay là cần phải phổ cập tri thức khoa học về chăm sóc sức khỏe, phổ cập phương pháp khoa học và phổ cập thế giới quan khoa học về chăm sóc sức khỏe.

Tuổi già là vận may hay là bất hạnh, cần phải xem sự quan tâm của bạn đối với kiến thức khoa học phổ thông về sức khỏe. Nắm vững tri thức về sức khỏe chính là có được chiếc “chìa khóa vàng” của sức khỏe, từ đó bạn mới có thể thoải mái thưởng ngoạn những hương vị ngọt ngào của cuộc đời. 

Con thỏ của xúi quẩy hay con vịt của may mắn 

Con người bị bệnh chủ yếu do hai nguyên nhân: thứ nhất là nguyên nhân bên trong, đó là chỉ sự di truyền do cha mẹ; thứ hai là nguyên nhân bên ngoài, là chỉ nguyên nhân do sự tác động của môi trường bên ngoài.

Trước tiên hãy nói về nguyên nhân bên trong. Một người bị bệnh hay không bị bệnh, trường thọ hay đoản mệnh, nhất định có liên quan tới gien di truyền do cha mẹ truyền lại. Cha có bệnh tiểu đường, mẹ cũng có bệnh tiểu đường, như vậy người con cũng dễ mắc bệnh tiểu đường. Cha mẹ không có bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh của con cái là rất thấp. Nếu như cha bị cao huyết áp, mẹ cũng bị cao huyết áp, như vậy có đến 45% khả năng người con cũng sẽ bị cao huyết áp; nếu trong hai người cha hoặc mẹ chỉ có một người bị cao huyết áp, như thế khả năng bị cao huyết áp của người con chỉ còn 28%; nếu cha mẹ huyết áp bình thường, như vậy khả năng bị cao huyết áp của người con có không? Cũng có, nhưng tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 3,5%.

Chúng ta có thể lấy dẫn chứng từ những thí nghiệm của động vật để chứng minh cho những ảnh hưởng của di truyền. Chúng ta dùng một con thỏ trắng nhỏ làm thí nghiệm. Thỏ trắng cần ăn củ cải và rau cải xanh, bây giờ chúng ta thay đổi bằng cách cho ăn lòng đỏ trứng gà trộn với mỡ heo. Lòng đỏ trứng gà có cholesterol cao, mỡ heo nhiều chất béo. Sau bốn tuần ăn như vậy, cholesterol của thỏ trắng tăng lên cao, sau tám tuần thì động mạch xơ cứng, sau mười sáu tuần thì như thế nào? Con thỏ trắng nhỏ này đã bị bệnh mạch vành tim, đau thắt cơ tim. 

Một thí nghiệm nữa, lần này chúng ta dùng gà, cũng để cho nó ăn lòng đỏ trứng gà trộn với mỡ heo. Nhưng thật là kỳ lạ, bạn có biết tại sao không? Cholesterol của nó không cao, động mạch không bị xơ cứng, cho ăn thời gian dài mà nó vẫn không bị bệnh mạch vành tim. Quả thật là kỳ lạ, cho ăn như nhau thế mà thỏ thì bị bệnh còn gà thì không, nguyên nhân nằm ở đâu? Rất đơn giản, bởi thỏ là thỏ, gà là gà, gien của chúng không giống nhau, vì thế sự di truyền cũng không giống nhau, dẫn đến kết quả không giống nhau.

Con người cũng như thế, Trương Tam ăn thịt mỡ, ăn gà thì mập, cholesterol cao, động mạch xơ cứng, đau cơ tim. Nhưng Lý Tư hàng ngày đều ăn thịt mỡ, đều ăn trứng gà, muốn ăn gì thì ăn, thế mà cholesterol không bao giờ bị cao, cũng không bị động mạch xơ cứng. Nguyên nhân tại sao? Rất đơn giản, bởi Trương Tam thuộc mô hình của thỏ trắng, Lý Tư thuộc mô hình của gà. Nếu như vận khí của bạn xúi quẩy như thỏ mà không được may mắn như gà, vậy thì bạn cần phải học cách bảo vệ cho mình.

Bạn thuộc loại hình xúi quẩy của thỏ hay may mắn của gà? Yếu tố gien sẽ quyết định đến cách chăm sóc sức khỏe của bạn.

Tâm lý tiếp nhận không giống nhau, kết quả không giống nhau

Cuộc đời mỗi người có lúc này lúc kia, mỗi người đều có những lúc gặp phải những chuyện bực bội, lo lắng, không vui vẻ. Trương Tam cả đời bị bệnh tim, tim luôn đập nhanh, lại bị cao huyết áp, thậm chí toàn thân run lập cập. Lý Tư cho dù luôn lo lắng cáu giận, nhưng tim cũng không đập nhanh, huyết áp không cao, tuy nhiên bị bệnh đau dạ dày, xuất huyết dạ dày. Vương Ngũ tính tình nóng nảy, bị bệnh tiểu đường. Người thứ tư thì do bị áp lực nhiều, bị chứng tâm thần phân liệt. Người thứ năm thì suốt ngày nói cười hả hê, việc gì cũng xem nhẹ. đây chính là năng lực tâm lý tiếp nhận không giống nhau.

Trong “đại cách mạng văn hóa”, bệnh viện chúng tôi có một nữ thư ký đảng ủy, trước sau đã bị đánh hơn một trăm lần, bị cạo trọc đầu, nhưng cô thư ký đảng ủy này thật không đơn giản, mỗi ngày sau khi bị tra khảo lại như thường lệ về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi như không có gì xảy ra.

Mấy ngày sau, cô y tá trưởng cũng bị đưa ra, cô ta là người Thượng Hải, là một cô y tá Trưởng rất mẫu mực, chăm sóc cho người bệnh như người thân của mình, thật là vô cùng tốt bụng. Nhưng nghe đâu cha cô là người phản cách mạng, vì cô là người con rất có hiếu, mỗi tháng đều gửi tiền về cho cha, kết quả bị xem là người có lý lịch không minh bạch, bị đưa ra tra khảo. Cô ta tuy là một y tá trưởng, nhưng chưa trải qua kinh nghiệm chiến tranh, chưa nếm trải những sóng gió cuộc đời, vừa nghe nói ngày mai bị đem ra tra khảo, quá bất ngờ, tâm lý khủng hoẳng, suy sụp. Cô nghĩ, như vậy thà chết còn hơn. Nhưng chết như thế nào đây? Phương pháp tốt nhất là cắt mạch máu, thế là cô dùng dao phẫu thuật cắt đứt mạch máu của hai tay, máu chảy lênh láng, huyết áp vừa hạ thấp dần, động mạch co giật, nhưng máu chỉ ra được một phần, muốn chết mà chết không được. Trời vừa sáng, Hồng Vệ Binh kéo tới, cô hoảng hốt vội nhảy từ lầu 5 xuống đất, thế là chết ngay tại chỗ, rất nhiều người ở hiện trường chứng kiến, thấy thảm thương không lỡ nhìn.

Vấn đề ở đây là, tại sao người thư ký kia bị tra khảo hơn một trăm lần mà vẫn xem như không có chuyện gì, còn cô y tá trưởng ngày mai mới bị tra khảo thì hôm nay tinh thần đã hoảng loạn. đây chính là năng lực tâm lý tiếp nhận không giống nhau, tinh thần, tính cách, ý chí và nhiều phương diện không giống nhau. Vì thế, giữa người và người có muôn vàn khác biệt là do những nguyên nhân bên trong không giống nhau.

Vẻ bề ngoài mỗi người dường như cao thấp không hơn nhau là bao, mập ốm không hơn nhau bao nhiêu, tướng mạo xem ra cũng chẳng hơn nhau mấy, nhưng thực sự giữa người với người có muôn vàn sự khác biệt.

 Phó thác sức khỏe của mình cho bác sĩ là sai lầm

 Hiện nay chúng ta thường có một quan điểm rất sai lầm, đó là gì? Có bệnh đi bệnh viện, có bệnh đi khám bác sĩ, đem sức khỏe của mình phó thác cho bác sĩ, đây là điều rất sai lầm.

Bác sĩ có ích không? đương nhiên là có, có thể giúp đỡ được cho bạn, nhưng thực sự là rất hạn chế, chỉ giúp được cho bạn khoảng 8%. Một chuyên gia về bệnh tim ở Mỹ nói rất chí lý, một bệnh nhân, khi bị bệnh đi tìm bác sĩ, sự giúp đỡ của bác sĩ cho họ là rất hạn chế, bất kỳ là bác sĩ nào cũng không thể giúp bệnh nhân hồi phục trạng thái như khi chưa bị bệnh. Người bác sĩ giỏi phải là người bác sĩ không để cho bệnh đến với bệnh nhân.

Nếu như chưa đến 60 tuổi đã bị bệnh, bệnh tiểu đường, bệnh mạch vành tim, ung thư, toàn thân bất động, như vậy cuộc đời còn lại của bạn phải sống trong đau khổ. Ở Mỹ gần đây có một cuộc điều tra nghiên cứu và đã nhận thấy, những người giỏi về phép dưỡng sinh về cơ bản không có bệnh gì, cũng không còn mầm mống sinh bệnh, 1/3, ¼ những người khi về già phải tốn tiền thuốc, tiền viện là do không biết về phép dưỡng sinh. Cái gọi là không giỏi về phép dưỡng sinh chính là nguyên nhân gây tình trạng sức khỏe kém, bị  mắc những bệnh như gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ. Trên thực tế một người  muốn sống khỏe đến 100 tuổi thì chí ít trước 60 tuổi phải không có bệnh.

Người ta thường nói: “Có gì cũng được chứ đừng có bệnh, không có gì cũng được chứ đừng không có tiền”. “Không sợ kiếm được ít tiền, chỉ sợ chết sớm”. đây chính là nói: sức khỏe là thứ tài sản lớn nhất của cuộc đời, sức khỏe chính là phép màu của hạnh phúc.

Vấn đề sức khỏe không phải là vấn đề y học mà là vấn đề con người, vấn đề xã hội.

  Bác sĩ tốt nhất là chính mình

 Khi chúng ta bị bệnh, cơ thể cảm thấy khó chịu, người phát hiện trước tiên không phải là bác sĩ mà là chính bản thân bạn. Không ai hiểu rõ mình bằng chính mình. Ví dụ như, mỗi ngày bạn ăn bao nhiêu thì no? Uống bao nhiêu rượu thì đủ tửu lượng? Mỗi ngày bạn phải ngủ bao lâu mới cảm thấy dễ chịu? Lượng vận động bao lâu thì thấy thoải mái? Những vấn đề này chỉ có chính bản thân bạn thông qua quá trình sống lâu dài của mình mà biết được, từ đó đi thể nghiệm dưỡng sinh, đi tổng kết, điều chỉnh, mới có thể đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài ra có nhiều người mà cơ thể của họ không thích hợp với những giải đáp trước mắt của y học, đặc biệt là nhiều căn bệnh về tâm lý, chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình để điều chỉnh.

Khi chúng ta thực sự học để biết và hiểu để quan tâm chăm sóc sức khỏe của mình một cách tốt nhất, khiến bộ máy cơ thể của chúng ta luôn bình thường, trạng thái vận động luôn ở trong tình trạng tốt nhất, như thế, bạn chính là người bác sĩ tốt nhất của mình.

Tuy chúng ta không thể lựa chọn được gien di truyền, nhưng chúng ta có đủ khả năng chọn lựa sức khỏe cho chính mình. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, có bốn nhân tố quyết định đến sức khỏe: một là nhân tố bên trong, tức là nhân tố gien di truyền từ cha mẹ, chiếm 15%. Hai là nhân tố môi trường bên ngoài, trong đó môi trường xã hội chiếm 10%, môi trường tự nhiên chiếm 7%, tổng cộng là 17%, như vậy cả môi trường bên trong và bên ngoài là 32%. Thứ ba là điều kiện chữa trị, chiếm 8%. Thứ tư là những ảnh hưởng từ cách sống mỗi người, chiếm 60%.

Như vậy, trong hai điều kiện sau chúng ta hoàn toàn có thể quyết định được, trong 68% đó thì nhân tố cách sống của mỗi người chiếm đến 60%, tức là đã chiếm hết chín phần. Tổ chức Phúc lợi Xã hội của Mỹ có một khuyến cáo: phương pháp chữa trị thích hợp, tốn từ hàng trăm đến hàng ngàn đô la, hạn chế được khoảng 10% khả năng tử vong sớm, còn dùng phương pháp dưỡng sinh để điều trị, không tốn kém bao nhiêu tiền, khả năng tử vong sớm có thể giảm được 70%.  

Ngoài ra, khoa học dưỡng sinh và bảo vệ sức khỏe có thể giảm được 55% khả năng mắc bệnh cao huyết áp, giảm 75% bệnh liệt lão, 50% bệnh tiểu đường, 33% bệnh về khối u, còn có thể khiến cho tuổi thọ sức khỏe tăng thêm 10 năm, chất lượng cuộc sống cũng được nâng cao rất nhiều. Những nghiên cứu mới đây cho thấy: người ở tuổi trung niên mà chú ý đến dưỡng sinh (chỉ số nhân tố nguy hiểm là 0), và người không chú ý đến dưỡng sinh (có từ 1 ~ 4 nhân tố nguy hiểm).

Tuy chúng ta không thể lựa chọn được gien di truyền, nhưng có đủ khả năng để chọn lựa được sức khỏe cho mình. Chiếc chìa khóa của sức khỏe nằm ở chính trong tay chúng ta. Tôi xin tặng cho các bạn bốn câu: có bệnh xem Tây y, dưỡng sinh xem Trung y. Nên biết rằng việc sống thọ và khỏe, chín phần là dựa vào bản thân mình.

Tác giả: Hồng Chiêu Quang
Dịch giả: Đoàn Đức Thanh
Sưu tầm - dienchanviet.com