In bài này

Khí công dưỡng sinh là gì?

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH

Giáo Sư VŨ ĐỨC, N. D. 
(Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ) 


I-KHÍ CÔNG LÀ GÌ ? 
“KHÍ” người Trung Hoa phát âm là “Chi” hay “Qi”, “Ki” ở người Nhật Bản, “Ghêe” ở người Đại Hàn, và “Prana” ở người Ấn Độ. “KHÍ” nghĩa thông thường có liên quan đến “Không khí” hoặc “chất hơi”, một chất không hình, dễ di động, dễ phân tán, dễ tích tụ, tính co giãn có thể tạo nên sức ép lớn mạnh, tùy theo số lượng của nó. 
“CÔNG” do chữ “Công Phu”, người Trung Hoa phát âm là “Kungfu”, có nghĩa là việc làm được thực hiện trong một số lượng thời gian. Do đó, “Khí Công” có thể hiểu là một tiến trình hít thở không khí, để gia tăng nguồn sinh lực của thể chất lẩn tinh thần trong con người.

Trong đó, “Dưỡng Khí” (Oxygen) được hấp thụ qua không khí, và “Thán Khí” (Carbon Dioxide) được loại trừ ra ngoài cơ thể. Đây là hai yếu tố chính yếu, trong việc gia tăng nguồn sinh lực cơ thể. 
Trong võ thuật cổ truyền đông phương, khí công còn được gọi là “Nội Công”, một công phu tập luyện “Tán Tụ Nội Khí”, để triển khai tối đa sức mạnh thể chất lẩn tinh thần, để áp dụng vào kỹ thuật chiến đấu, cũng như gia tăng sức khỏe thân tâm. 

II-LƯỢC SỬ KHÍ CÔNG : 
Trong ý nghĩa quân bình hơi thở, khí công được bắt nguồn từ thuở xa xưa, từ khi có sự hiện diện loài người trên quả đất nầy. Căn cứ vào văn hóa cổ truyền đông phương, khí công đã được áp dụng qua các phương pháp thực hành, và triết lý dẫn đạo, hầu hết, có liên quan đến ba môn học : Y học, Đạo học, và Võ học. 
Theo y thư Hoàng Đế Nội Kinh (2697 - 2597 B.C. trước Tây lịch), và sách Dịch Kinh (2400 B.C. trước Tây lịch), nền tảng Đông y học được dựa trên lý thuyết nguồn khí lực Âm Dương, Ngũ Hành, để lý giải việc điều trị bệnh tật, và tăng cường sức khỏe con người. Vào thời nhà Thương (1783 - 1122 B.C., trước Tây lịch), người Trung Hoa đã biết dùng những dụng cụ bén nhọn bằng đá, để châm chích vào các huyệt đạo trên cơ thể, nhằm gây ảnh hưởng đến sự dẫn truyền nguồn khí lực, trong việc trị bệnh cho con người. 
Vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch, trong cổ thư Đạo Đức Kinh, tác giả Lão tử, một nhà hiền triết Trung Hoa, đã đề cập đến vai trò hơi thở, trong kỹ thuật luyện khí, để giúp con người kéo dài tuổi thọ. Sử liệu Trung Hoa cũng cho thấy rằng các phương pháp luyện khí đã có nhiều tiến bộ, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (770 - 221. B.C. trước Tây lịch). Sau đó, trong thời nhà Tần đến nhà Hán (221 B.C. trước Tây lịch đến 220 A.C. sau Tây lịch), một số sách dạy luyện khí công được biên soạn bởi nhiều vị y sư, thiền sư, và đạo sĩ. Các phương pháp truyền dạy tuy có khác nhau, nhưng vẫn có chung những nguyên lý vận hành khí lực trong cơ thể. 
Vào thế kỷ thứ ba sau Tây lịch, nguyên lý về khí lực đã được minh chứng hiệu quả bởi y sư Hoa Đà, qua việc áp dụng kỹ thuật châm cứu, để gây nên tình trạng tê mê cho bệnh nhân, trong lúc giải phẫu. Ngoài ra, ông còn sáng chế ra bài tập luyện khí có tên là “Ngũ Cầm Hí” với những động tác dựa theo tính chất cử động của năm loài thú rừng như: Cọp, Nai, Khỉ, Gấu, và Chim. 
Vào năm 520 - 529 sau Tây lịch, Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, người Ấn Độ, đến Tung Sơn Thiếu Lâm Tự, tỉnh Hà Nam, ngài đã soạn ra sách Dịch Cân Kinh, để dạy các môn đồ phát triển nguồn khí lực, tăng cường sức khỏe, trên đường tu đạo, cũng như, giúp cho thân thể được cường tráng, gia tăng sức mạnh trong việc luyện võ. Về sau, dựa vào các nguyên lý khí lực nầy, các đệ tử Thiếu lâm đã sáng chế thêm những bài tập khí công như: Bát Đoạn Cẩm, Thiết Tuyến Nội Công Quyền, Nội Công Ngũ Hình Quyền,.... 
Theo truyền thuyết, vào triều đại nhà Tống (950 - 1279 sau Tây Lịch), tại núi Võ Đang, Đạo sĩ Trương Tam Phong sáng chế ra bài nội công luyện khí “Thái Cực Quyền”, gồm những cử động chậm chạp, và nhẹ nhàng, để giúp người tập luyện cường kiện sức khỏe thân tâm. 
Về sau, có rất nhiều bài tập khí công đã được sáng chế bởi nhiều võ phái khác nhau. Dần dần các võ phái nhỏ, ít người biết đến, đều bị mai một, cùng với những phương pháp truyền dạy bị lãng quên trong quá khứ. Đến nay, một số ít các bài võ luyện khí công còn được ghi nhận, qua một số tài liệu hạn hẹp của Trung Hoa như: Dịch Cân Kinh, Bát Đoạn Cẩm, Thiết Tuyến Nội Công Quyền, Nội Công Ngũ Hình Quyền, Bát Quái Quyền, Hình Ý Quyền, Lục Hợp Bát Pháp Quyền, và Thái Cực Quyền của ba hệ phái Trần Gia, Dương Gia, và Vũ Gia,.... 

III-TRIẾT LÝ KHÍ CÔNG : 
A- Vũ Trụ Quan : Theo quan niệm Đông phương, khởi nguyên sự hình thành của vũ trụ, vạn vật được bắt nguồn từ một khối “KHÍ” đầu tiên gọi là “THÁI CỰC”, bành trướng vô cùng tận. Sau tiến trình nội tại, khối “KHÍ” nầy được phân thành hai nhóm khí đối nghịch nhau : “KHÍ ÂM” và “KHÍ DƯƠNG”, được gọi là “LƯỠNG NGHI”. Hai nhóm “KHÍ ÂM” và “KHÍ DƯƠNG” nầy chạm vào nhau, để sinh ra khí thứ ba, mà Lão Tử gọi là “XUNG KHÍ”. Từ đó, vũ trụ, vạn vật được hình thành. Đạo Đức Kinh có ghi : “-Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật, vạn vật phụ âm nhi bảo dương, xung khí dĩ vi hòa.” Học giả Trương Hoành Cừ có nói : “-Khí tụ lại thành hình, khí tán đi hình hoại, muôn vật trở lại Thái Hư.” Vạn vật biến chuyển, thay đổi không ngừng theo định luật phổ quát mà Kinh Dịch có ghi : “-Sinh, Trưởng, Thâu, Tàng.” Cũng như, Phật giáo quan niệm : “-Sinh, Trụ, Dị, Diệt.” Do đó, khí là nguồn gốc, là sinh lực của vạn vật và vũ trụ. 
Hai tính chất căn bản “ÂM và DƯƠNG” của khí được quân bình, nằm trong ba loại khí tổng quát :Thiên khí, Địa khí, và Nhân khí. 
“Thiên Khí” đến từ vũ trụ thiên nhiên, với sức sống động vĩ đại, huyền diệu, giúp cho đại vũ trụ thiên nhiên được vận chuyển, trong một trật tự tuần hoàn. Thí dụ : Mặt trăng, mặt trời, thái dương hệ, tất cả bầu trời không gian vô tận,... đều là nguồn chứa thiên khí. Thiên khí đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn đến thời tiết, khí hậu, và thiên tai,... Thí dụ : như những hiện tượng gió thổi, mưa rơi, bảo tố, sấm sét,... được xảy ra đều nhằm mục đích tái tạo sự quân bình Âm Dương tính trong thiên khí. 
“Địa khí” đến từ quả đất, cũng như, từ sự thấm nhuần, hoặc ảnh hưởng tác dụng của thiên khí trên quả đất. Địa khí còn được sinh ra bởi từ trường của quả đất, hoặc hơi nóng được phát ra từ trong lòng đất. Những vùng đất thường xảy ra núi lửa, hay những đường rạn nứt trong lòng đất, dễ tạo nên những tai họa động đất, chính là những nơi phát ra nguồn địa khí. Sự di chuyển của địa khí được thể hiện qua các hiện tượng như: đất cát di chuyển theo dòng nước lũ, để mang bồi đấp tạo nên những nơi cồn đảo. Trái lại, những vùng mất đất sẽ trở thành sông sâu, lớn rộng. Mặt khác, trong lúc có nhiều mưa, mặt đất trở nên đầy nước ngập lụt. Trái lại, khí trời khô nóng gắt, hạn hán, mặt đất trở nên khô cằn, nứt nẻ. Tất cả những hiện tượng nói trên đều tạo nên sự thay đổi địa khí, do bởi sự mất quân bình Âm Dương tính trong địa khí. 
“Nhân khí” là sinh lực của con người. Con người là một tiểu vũ trụ, nằm trong sự chi phối của đại vũ trụ thiên nhiên. Do đó, nhân khí phải chịu ảnh hưởng vào thiên khí, và địa khí. 
B- Nhân Sinh Quan : Con người khi còn là thai nhi trong bụng mẹ, được nuôi dưỡng bằng nguồn sinh lực (Nhân Khí) của bà mẹ, qua đường cuống rốn thai nhi. Sau khi chào đời, qua tiếng khóc đầu tiên, hài nhi biết hít thở, hấp thụ nguồn “Thiên Khí” từ bên ngoài. Nguồn thiên khí đầu tiên nầy, khi được vào trong cơ thể hài nhi, biến thành nguồn “Dinh Khí”, và tác dụng làm cho nguồn sinh lực (Nhân Khí) của bà mẹ sẵn có trong hài nhi, trở thành “Vệ Khí” được thể hiện hai dòng : Khí nóng (Dương), và khí lạnh (Âm). Dòng khí nóng (Dương) chạy lên phần trên (Thượng) cơ thể, để đến các bộ phận : Tim, gan, phổi, và não bộ. Trong khi dòng khí lạnh (Âm) chạy xuống phần dưới (Hạ) cơ thể, để đến các bộ phận : Bụng dưới, thận, cơ quan sinh dục, và hai chân. Tiếp theo, sự sinh tồn của hài nhi cần phải được nuôi dưỡng bởi nguồn nhân khí đến từ bên ngoài, do sự ảnh hưởng của thiên khí, và địa khí, qua môi trường không khí trong sạch, nước uống, và thực phẩm (động vật, và thực vật). Nguồn nhân khí (sinh lực) nầy được lưu chuyển điều hòa, trong những đường ống ngang dọc của hệ thống Kinh, Mạch, Lạc, Huyệt, nhằm liên hệ đến các tạng phủ, gồm các bộ phận như : Tim, phổi, bao tử, lá mía, ruột già, ruột non, gan, thận, túi mật, và bàng quang,.... 
Với tuổi thọ tăng dần, các đường ống dẫn khí lực nầy, càng ngày càng trở nên trì trệ, yếu kém, trong việc cung cấp sinh lực (Nhân khí) nuôi dưỡng cơ thể. Do đó, sức khỏe con người dễ trở nên suy yếu, bệnh tật, nếu không được bồi dưỡng đúng mức. 
Để tái tạo sức khỏe bình thường, việc khai thông hệ thống kinh mạch, cũng như, quân bình Âm Dương tính trong nguồn sinh lực (Nhân khí) rất cần thiết cho cơ thể con người. Ở điểm nầy, Đông y học đã áp dụng một trong những trị liệu pháp như : dược phẩm (thuốc hóa học ở các lá, thân, và rễ cây), châm cứu pháp, án ma pháp (thuật xoa bóp trên các kinh mạch, và ấn ép trên các huyệt đạo), khí công trị liệu (phương pháp hô hấp), và thể dục dưỡng sinh (áp dụng các động tác vận chuyển để đả thông kinh mạch). 
Trong phép dưỡng sinh, người ta cần phải biết sống hòa hợp với luật thiên nhiên, để khai thác tối đa lợi thế của thiên khí, và địa khí, trong việc giữ quân bình âm dương tính cho nhân khí của con người. Từ đó, sức đề kháng trong cơ thể được kiện toàn, sẵn sàng tiêu trừ các mầm mống bệnh chứng, có thể xảy ra cho con người. 
Ngoài ra, việc tập luyện khí công rất ích lợi, giúp cho nhân khí được điều hòa, làm chậm sự thoái hóa của các tế bào trong cơ thể, và điều hợp thuận lợi với thiên khí và địa khí từ bên ngoài cơ thể. 

IV- PHƯƠNG THẾ THỰC HÀNH : 
Trong khí công, có ba loại thở căn bản như : thở sâu (hay thở thấp, hoặc thở Đan Điền), thở ngực (hay thở trung bình), và thở cao. Để thực tập các bài khí công, học viên có thể áp dụng một trong ba tư thế chánh yếu như : thế đứng, thế ngồi, và thế nằm. Trong mỗi tư thế chánh nầy còn được chia ra làm nhiều tư thế phụ khác như sau : 
-với tư thế đứng, gồm có thế đứng tự nhiên (hai bàn chân dang rộng bằng khoảng cách của hai vai), thế đứng chân trước chân sau, và thế đứng trung bình tấn. 
-Với tư thế ngồi, gồm có tư thế ngồi tréo chân như : ngồi kiết già, ngồi bán già, ngồi xếp bằng bình thường ( ngồi tréo chân tự nhiên), và ngồi quì gối. 
-Với tư thế nằm, gồm có nằm thẳng người, với lưng tựa phía dưới. 
Trong các tư thế nói trên, tư thế đứng có nhiều thuận tiện, và mang lại nhiều lợi ích hơn cả. Cho nên, các tư thế đứng đã được áp dụng tối đa, trong các bài tập khí công của quyền thuật gia. Sau đây là những ích lợi của tư thế đứng : 
-Tư thế đứng rất thuận tiện, khi tập ở những nơi công cộng, ngoài trời, nơi có không khí trong lành như : công viên, đồng cỏ, rừng cây, bờ hồ, bờ sông, bờ biển, và các vùng ngoại ô,.... 
-Tư thế đứng còn giúp cho máu lưu thông dễ dàng, trong hệ thống tuần hoàn. Do đó, nguồn khí lực dễ chuyển vận đến các bộ phận trong khắp cơ thể. 
-Ngoài ra, tư thế đứng tránh được tình trạng ru ngủ như ở hai tư thế ngồi và nằm. Cho nên, học viên có đủ thời gian hoàn tất việc tập luyện. 

V- HIỆU QUẢ CỦA KHÍ CÔNG : 
Việc tập luyện khí công có thể tạo ra những tác động, ảnh hưởng tốt đẹp, giúp ích cho chức năng sinh lý của các bộ phận trong cơ thể như : bộ phận hô hấp, bộ phận tiêu hóa, hệ thống tuần hoàn máu, và thần kinh hệ,... Cũng như, tái tạo sự hoạt động của nhiều triệu mao quản bị đình trệ, và làm chậm sự thoái hóa của các tế bào trong cơ thể. 
Trong phép trị bệnh, việc áp dụng khí công đều đặn, cùng với thói quen ẩm thực hợp phép kiêng cữ, có thể tái tạo sức khỏe bình thường cho bệnh nhân về các chứng : áp huyết cao hay thấp, bệnh tim, bệnh về đường máu, bệnh suyễn, bệnh táo bón, bệnh nhức đầu, bệnh nhức mỏi khớp xương, và bắp thịt,... 
Ngoài ra, việc tập luyện khí công còn giúp ích cho học viên gia tăng sức mạnh tinh thần như : tập trung tư tưởng, tính tự chủ, tự kiểm soát nội tâm, tâm hồn thanh tịnh, và bình tĩnh để có một đời sống tình cảm an hòa, khắc phục được những trở ngại bất thường, trong đời sống động loạn hàng ngày. Để đạt được thành quả trong lúc tập luyện khí công, tùy theo hoàn cảnh, học viên nên tuân hành nghiêm chỉnh theo một thời dụng biểu tập luyện đều đặn hàng ngày, với những bài tập thích nghi, từng bước một, tuần tự tiến hành. Nếu vội vã, đốt giai đoạn tập luyện, sức khỏe của học viên dễ bị tổn thương. Cũng như, việc tập không đúng phương pháp có thể tạo nên những biến chứng, có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, và gây trở ngại cho cơ thể trong việc tập luyện./. 

-Giáo Sư VŨ ĐỨC, N. D. 

Vũ Ðức

(Nguồn: Honque.com)