In bài này

Chữa viêm đường hô hấp bằng diện chẩn

 Hiện nay, trên diễn đàn webtretho, các thành viên đang bàn luận với nhau rất sôi nổi về kinh nghiệm chữa các bệnh đường hô hấp cho con lúc giao mùa. Có rất nhiều các ý kiến cho rằng trẻ em hiện giờ đang sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh và phải chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc.

Diện Chẩn chữa Viêm VA

Trên topic “Lạm dụng thuốc kháng sinh – Cần phải làm rõ?” thành viên chanhleo.na viết: “Con em mới có 2 tháng tuổi, thấy khụt khịt, chụp phổi xong kết luận là viêm phế quản, mới lần đầu mà BS đã cho bé 7 gói zinat, lại còn thêm pretonoson (em viết ko chính xác lắm) – là một loại thuốc chống phù nề, có nhiều tác dụng phụ. Khổ thân con em vì mẹ dốt không tìm hiểu kỹ, cố gắng uống hết 7 gói zinat đắng nghét, sợ đến nỗi nhìn thấy bình sữa là khóc thét lên, đến ngày thứ 7 thì bị tiêu chảy, bây giờ em lại trường kỳ chữa rối loạn tiêu hóa cho con. Chưa hết, do tác dụng phụ của kháng sinh, bé nổi ban đỏ rộp hết cả cổ bé, lên tận gáy, thế là tiếp tục chữa viêm da….., thế có khổ thân bé không chứ…”.

Trên topic “Viêm mũi họng không cứ phải dùng kháng sinh mạnh” thành viên Adonis rất bức xúc: “Tôi có con gái cháu gần 3 tuổi. Từ một tháng trở lại đây cháu liên tục bị ho, họng mũi có nhầy. Cũng giống như nhiều bài viết của các mẹ trong diễn dàn này đã tâm sự, tôi cho cháu đi khám ở bác sĩ, cứ điệp khúc 01 kháng sinh nặng (Zinat, Zithomax, Clox, Cmax….. có thể tên viết chưa dúng) + 01 thuốc ho tiêu đờm + 01 thuốc phụ trợ (chống nôn hay thuốc bổ). Cứ sau một đợt dùng thuốc, đến khi hết thuốc bé lại bắt đầu có hiện tượng ho, nếu sau 3 ngày đi khám lại thì lại vẫn điệp khúc kháng sinh.”

Từ những lo lắng băn khoăn của các bà mẹ về vấn đề lạm dụng kháng sinh cho trẻ em hiện nay, chúng tôi xin giới thiệu một số kỹ thuật chữa bệnh bằng phương pháp Diện Chẩn của GS.TSKH. Bùi Quốc Châu đối với các bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa đông để các bạn cùng tham khảo.

Diện chẩn là gì?
GS. TSKH. Bùi Quốc Châu đang hướng dẫn thực hành môn diện chẩn liệu pháp. Diện chẩn điều khiển liệu pháp (Face Diagnosis – Cybernetic Therapy) là một phương pháp Y học bổ sung. Diện chẩn điều khiển liệu pháp gọi tắt là Diện Chẩn hay FACY, ở Pháp hiện nay gọi tắt là PHẢN XẠ HỌC VÙNG MẶT (Réflexologie faciale).

Nếu coi DIỆN CHẨN chỉ là NHÌN MẶT ĐOÁN BỆNH thì đây không phải là một vấn đề mới vì từ xưa trong Kinh điển Đông Y đã có VỌNG CHẨN (chẩn đoán bệnh bằng cách nhìn). Diện chẩn – điều khiển liệu pháp cũng dựa trên nguyên tắc biểu hiện những hình thức khảo sát căn cứ vào nhiều yếu tố, đặc biệt trong đó có các dấu vết xuất hiện ngoài da, dưới da. Nguyên tắc chính để trị bệnh của phương pháp Diện chẩn điều khiển liệu pháp là day ấn các huyệt đạo tương ấn với các dây thần kinh và các cơ quan tương ứng trên cơ thể và hơ nhang ngải cứu tại các huyệt đạo đó.

GS. TSKH. Bùi Quốc Châu (thứ ba từ trái qua) và Lương y Bùi Minh Tâm (thứ hai từ phải qua) với các học viên lớp diện chẩn tại Đan Mạch.

Một vài cách chữa trị các bệnh về đường hô hấp của trẻ em trong mùa lạnh:

Cảm mạo

Triệu chứng: Chứng cảm mạo đôi khi còn được dân gian gọi là phong hàn. Trẻ bị ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, ớn lạnh, toàn thân khó chịu.

Phương pháp:

Bạn có thể dùng dầu nóng xoa từ mí tóc vùng trán xuống hết sống mũi, dùng ngón tay bôi dầu, chà hai bên mang tai, hai bên quai hàm, hai cạnh mũi, hai nếp nhăn mũi. Dùng dầu xoa hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân của trẻ cho đến khi hai tay và chân ấm lên. Sau đó lấy 2 ngón tay cái và trỏ ấn ngay cạnh mũi (Huyệt số 6) khoảng 1 phút rồi ấn vào 2 mang tai (huyệt số 0). Bạn có thể dán thêm một miếng cao salonpas nhỏ (4×4 mm) ở ngay chính giữa phía dưới môi dưới (Huyệt số 127).

Viêm mũi

Triệu chứng: Lúc đầu trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi từng tràng hoặc từng cái một, nặng đầu, tay chân đau ê ẩm. Nhiệt độ trẻ khoảng 39 độ. Ban ngày trẻ tỏ ra mệt mỏi, bỏ ăn, còn ban đêm trẻ sẽ quấy khóc không chịu ngủ. Những trẻ sơ sinh nếu bị viêm mũi thì rất khó thở do mũi dễ bị tắc nghẽn. Bé sẽ bị hiện tượng co kéo ở ngực. Hai hốc mũi trẻ mẩn đỏ và ứ đọng nhiều dịch nhầy.

Phương pháp:

Trước hết, bạn có thể dùng hai ngón tay trỏ chà xát nhẹ lên xuống hai cạnh mũi và hai bên lỗ tai. Sau đó, bạn lấy dầu nóng bôi vào hai lòng bàn chân, rồi lấy bông gòn chấm chút dầu khuynh diệp ngoáy nhẹ vào hai tai sau đó lấy dầu nóng chấm hay dán cao Salonpas (4×4 mm) vào hai bên cánh mũi (Huyệt 61) và giữa hai nếp nhăn miệng (Huyệt 39). Một ngày có thể làm 2 – 3 lần là đủ.

Viêm họng cấp

Triệu chứng: Bệnh viêm họng cấp là bệnh thường xảy ra nhất vào mùa đông, ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên của viêm họng cấp là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt và khản tiếng. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng cấp là một loại vi khuẩn liên cầu. Bệnh viêm họng cấp nếu không điều trị dứt điểm có thể gây đau các khớp xương và biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim ở trẻ em.

Phương pháp:

Bạn hãy lấy dầu nóng xoa vùng cườm tay phía trong của bé vì theo lý thuyết Diện Chẩn, hai cổ tay có những huyệt đạo liên quan đến cổ họng. Sau đó bạn xoa dầu vào hai bên dái tai (Huyệt 14 – Huyệt 275) rồi dùng ngón tay vừa ấn vừa day ngay giữa sống mũi ngang hai mắt (Huyệt số 8, huyệt 12 và huyệt 20) kết hợp với dán cao salonpas (4×4 mm) hai bên nhân trung (Huyệt 38 và huyệt 17).

Viêm phế quản
Viêm phế quản

Triệu chứng: Bệnh viêm phế quản có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Bệnh nhân thường mắc bệnh ngay sau khi thời tiết chuyển lạnh, hoặc sau khi bị viêm họng, viêm mũi… Trong nhiều trường hơp, trẻ bị viêm phế quản nhưng biểu hiện không rõ ràng, chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ vài cái. Trẻ vẫn có biểu hiện khỏe mạnh và ăn uống bình thường. Nếu ba mẹ không chú ý và để tình trạng viêm phế quản kéo dài, không điều trị đúng, tình trạng bệnh của trẻ sẽ chuyển sang biến chứng bội nhiễm vi trùng, gây viêm phế quản phổi rất nguy hiểm.

Phương pháp:

Bạn cũng dùng dầu nóng xoa vùng cổ tay, cổ chân rồi dùng hai ngón tay xoa chút dầu nóng chà xuôi theo vùng vòng quanh hai cánh mũi (các huyệt 61, 74, 64) và dùng cao salonpas (4x4mm) dán vào giữa 2 đầu lông mày (Huyệt 312) và chính giữa mũi ( Huyệt 189).

Viêm V.A

Triệu chứng: Bệnh viêm VA thường xảy ra trong giai đoạn trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 năm tuổi. nhưng đôi khi trẻ ở nhóm tuổi lớn hơn cũng có thể bị bệnh này. Khi trẻ bị viêm VA, trẻ sẽ sốt 38 – 39 độ C hoăc cao hơn, chảy nước mũi (lúc đầu nước mũi của trẻ trong và loãng nhưng khi trẻ bị nặng hơn thì nước mũi nhầy, đôi khi có màu vàng hoặc máu mũ). Khi ngủ trẻ thường rất khó thở và nghẹt mũi nặng hơn khi nằm ngửa. Đây là một lý do khiến những em bé còn bú mẹ thường hay bỏ bú vì không thể thở khi ngậm vú mẹ. Khi bị viêm VA trẻ sẽ ho nhiều. Nếu không điều trị dứt điểm bệnh của trẻ sẽ biến chứng sang viêm phế quản, ho nặng hơn. Khi đó, trẻ sẽ không ăn, không bú và hơi thở có mùi hôi.
Viêm đường hô hấp

Phương pháp:

Trước hết, bạn phải giúp trẻ hạ sốt bằng việc lau mát bằng cách lấy khăn nhúng vào nước ấm vắt ráo rồi lau trán, hai cánh tay, hai đùi, lưng cho trẻ. Sau đó bạn day ấn các vùng giữa má (huyệt số 3), vùng giữa 2 chân mày (Huyệt 26), phía sau dái tai (Huyệt 15), 2 huyệt ở vùng khuyết bình tai (huyệt 0) và cuối cùng trên cánh mũi ( Huyệt số 5).
Sau đó bạn xem hai nách của trẻ, nếu thấy ửng đỏ và hơi sưng ta có thể xoa dầu hay dán cao nơi đây.

Bên cạnh việc day ấn huyệt, bạn không nên cho trẻ uống nước cam, chanh nhiều vì điều này sẽ khiến cho việc trị liệu khó khăn hơn. Ở nước ta lâu nay thường có thói quen cho bệnh nhân uống nước chanh, nước cam tươi vì nghĩ chanh, cam tươi nhiều vitamin C, ngon, bổ, rẻ. Nhưng chúng ta quên một điều rất quan trọng là Vitamin C không phải là nước Chanh hay nước Cam. Sinh tố C chỉ là một thành phần nhỏ trong các thành phần khác của trái cam. Chính hợp chất này ở trong quả cam hay chanh mang tính lạnh (ÂM), khi được uống vào, cơ thể từng người thì lại sinh ra những phản ứng sinh lý, hóa học khác nhau. Nhất là cơ thể các em nhỏ có sức đề kháng kém thì không nên uống cam chanh vì tính âm của cam và chanh sẽ làm lạnh cơ thể và bệnh rất khó khỏi.
Trị liệu bằng biện pháp day bấm huyệt cần có sự kiên trì, một ngày nên tiến hành 3 lần, mỗi lần làm 3 lượt cách nhau khoảng 5 phút. Bạn chú ý chỉ nên day ấn nhẹ, tránh làm trầy da trẻ.
Trong những trường hợp bệnh nặng, bệnh kéo dài bạn nên đưa trẻ đến phòng Chẩn Trị để các Lương y có kinh nghiệm về Diện Chẩn theo dõi và trị liệu.

Diệu Phương Webtretho (thực hiện).
(tham khảo http://nightingalepumpkin.wordpress.com) dienchanviet.com